Nhắc tới đất nước Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến các mỹ danh “Đất nước Mặt trời mọc”, “Xứ sở Hoa anh đào”, “Xứ sở phù tang”, hay “Đất nước hoa cúc”… Mỗi một tên gọi lại mang một một ý nghĩa khác nhau, gắn liền với đất nước con người nơi đây. Vậy những tên gọi này có nguồn gốc như thế nào? Bài viết hôm nay HAATO sẽ cùng các bạn tìm hiểu kỹ về vấn đề này nhé.
Nhật Bản – “Đất nước Mặt trời mọc”
Có rất nhiều lý do, yếu tố để diễn dải cho tên gọi này.
Về phương diện địa lý thì Nhật Bản là đất nước nằm ở cực Đông của Châu Á có thể nhìn thấy Mặt trời mọc đầu tiên ở Đông Á.
Về phương diện tín ngưỡng thì theo truyền thuyết, tổ tiên của họ là Nữ thần Mặt Trời Amaterasu.
Về mặt Ngôn ngữ học, Tên gọi Nhật Bản bắt nguồn từ cách phiên âm hán việt. Quốc hiệu viết bằng kanji của nước này là 日本 với nichi (日) đọc là Nhật (“Mặt Trời” hoặc “ngày”) và hon (本) đọc là Bản (“nguồn gốc”). Hai chữ này khi kết hợp lại mang nghĩa “Gốc của Mặt trời” hay “Mặt Trời mọc”.
Nhiều quốc gia khác cũng vì những nguyên do đó mà thường miêu tả Nhật Bản là “Đất nước Mặt Trời mọc”.
Nhật Bản – “Xứ sở hoa anh đào”
Nhật Bản còn có một mỹ danh trong cộng đồng người dùng tiếng Việt là “Xứ sở hoa anh đào”, vì cây hoa anh đào (さくら sakura) mọc trên khắp nước Nhật từ bắc xuống nam.
Loài hoa “thoắt nở thoắt tàn” này được người Nhật đặc biệt yêu thích, phản ánh tính nhạy cảm, yêu cái đẹp, sống và chết đều quyết liệt của dân tộc họ.
Nhật Bản – “Đất nước hoa cúc”
Một mỹ danh khác của Nhật Bản đấy là “Đất nước hoa cúc”, vì đóa hoa cúc 16 cánh giống như mặt trời đang tỏa chiếu.
Hoa cúc chính là biểu tượng của Hoàng gia và là quốc huy Nhật Bản ngày nay.
Nhật Bản – “Xứ Phù Tang”
Nhật Bản còn được gọi là Phù Tang (扶桑), đề cập đến cây phù tang.
Theo truyền thuyết cổ phương đông, có một loài cây rỗng lòng gọi là Phù Tang hay Khổng Tang, là nơi thần Mặt Trời nghỉ ngơi trước khi du hành ngang qua bầu trời từ Đông sang Tây, do đó Phù Tang hàm nghĩa văn chương chỉ nơi Mặt Trời mọc.
Nhật Bản
Vào thế kỷ 4, Nhật Bản đã lấy tên nước là Yamato, lúc bấy giờ người Nhật vẫn chưa có chữ viết riêng và vẫn phải vay mượn chữ Hán nên Yamato được viết là wa (倭). Về sau khi đã phát triển nên hệ thống ngôn ngữ cho riêng mình, người Nhật dùng hai chữ kanji 大和 (Đại Hòa) để ký âm chữ Yamato, thể hiện lòng tự tôn dân tộc.
Năm 670, Yamato gửi một đoàn sứ bộ đến chúc mừng triều đình nhà Đường dưới thời vua Đường Cao Tông nhân dịp vừa bình định Triều Tiên, và từ đó đổi tên thành Nhật Bản (日本/ にっぽん).
Kể từ sau cuộc Duy tân Minh Trị cho đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, quốc hiệu đầy đủ của Nhật Bản là Dai Nippon Teikoku (大日本帝國), nghĩa là ” Đế quốc Đại Nhật Bản”. Ngày nay quốc hiệu Nippon-koku hay Nihon-koku (日本国 (Nhật Bản Quốc)) có ý nghĩa tương đương về mặt nghi thức, với chữ koku (国) nghĩa là “quốc gia”, “nước” hay “nhà nước” thay thế cho một miêu tả dài về ý thức hệ của đất nước.