Hiện nay, hầu như đa số người Việt đều hiểu đơn giản “Trà đạo Nhật Bản” là cách uống trà truyền thống của người Nhật. Nhiều tư liệu về văn hoá Nhật Bản, do các tác giả không phải người Nhật biên soạn, hầu như cũng giới thiệu Trà đạo Nhật Bản là cách uống trà truyền thống của người Nhật. Vì hiểu chưa chính xác về Trà đạo Nhật Bản nên nhiều người vẫn lẫn lộn giữa Trà đạo Nhật Bản và việc thưởng thức trà của người Nhật, dẫn đến việc có những so sánh và kết luận không chính xác việc uống trà cũng như nghệ thuật thưởng thức trà giữa Nhật Bản các nước khác.
Cho đến nay có rất nhiều nhà nghiên cứu ở Nhật Bản cũng như các nước khác nghiên cứu về Trà đạo Nhật Bản, nhưng hầu hết đều dừng ở mức độ mô tả về trình tự, về chất liệu, hình dạng của dụng cụ pha và uống, về kiến trúc và nội thất của phòng trà.
Cũng có những nhà nghiên cứu đưa ra các kết luận về bản chất tâm thức của Trà đạo Nhật Bản, nhưng các nhà nghiên cứu này chỉ sử dụng phương pháp thực nghiệm, tổng hợp và phân tích, chưa sử dụng đến phương pháp so sánh thông qua các thành tố.
Để viết bài này, chúng tôi đã thông qua trải nghiệm thực tế và thảo luận trực tiếp với nhà nghiên cứu Trà đạo người Nhật Bản (Ông Hiyashi Toshio).
Lược sử hình thành nghi thức Trà đạo Nhật Bản
Cây trà và phong tục uống trà có xuất xứ từ khu vực nam Trung Hoa và khu vực bắc Đông Nam Á cổ. Vào thế kỷ thứ VIII (thời Nara [1]), trà được du nhập sang Nhật Bản, tuy nhiên số người biết dùng trà cũng rất ít. Việc uống trà chỉ là một trong những hình thức ẩm thực sang trọng của giới quý tộc, vương giả.
Đầu thế kỷ XIII (thời Kamakura), một cao tăng thuộc phái thiền Rinzai [2] của Nhật Bản là Thiền sư Eisai [3] (1141-1215) đã mang một thứ trà xanh dạng bột, gọi là matcha, từ Trung Hoa về Nhật Bản.
Đến giữa thế kỷ XIV (thời Muromachi), việc uống trà được phổ biến đến giới bình dân. Cách thức uống trà của người Nhật Bản giống như người Trung Hoa, chủ yếu là thưởng ngoạn phong cảnh, đối ẩm, thưởng thức vị trà. Tại những vùng trồng trà, đến nay hàng năm vẫn diễn ra các cuộc thi uống trà toucha [4] để tìm ra các loại trà ngon.
Cuối thế kỷ XV (thời Chiến quốc), một người tên là Murata Jukou [5] (1423-1502), là học trò của nhà Thiền sư Ikyu [6] (1394-1481) phái thiền Rinzai, hình thành ra trường phái đầu tiên về uống trà để thi đấu toucha gọi là wabicha [7], là trường phái nghiêng về tinh thần và sự giản dị.
Hưởng ứng tâm tưởng ấy, vào cuối thế kỷ XVI (thời Azuchi Momoyama), một người Nhật Bản là ông Senno Rikyu (1522-1591) đã kết hợp việc uống trà với các triết lý Thiền hình thành một trường phái có cách pha và uống trà khác biệt với thông thường.
Thứ nước trà được pha chế ra và dùng để uống của trường phái này được gọi là cha no yuu. Cách thức pha và uống cha no yuu của trường phái này dần dần được trình tự hoá thành một nghệ thuật, được gọi là sadou, nghĩa là Trà đạo. Từ đó đến nay, nghệ thuật này càng được hoàn thiện và phổ biến, trở thành một nét văn hoá đặc trưng của người Nhật Bản.
Chủ thể của nghi thức Trà đạo Nhật Bản
Ở Việt Nam có câu nói “Trà tam rượu tứ”, câu nói này nhằm ám chỉ một trong những bản chất của việc uống trà là giao tế. Tục uống trà ở Việt Nam cũng xuất phát từ Trung Hoa, vì vậy tại Trung Hoa, Nhật Bản hay Việt Nam việc uống trà cũng nhằm các mục đích như thưởng ngoạn, đối ẩm, giao tế.
Có nghĩa là, khi uống trà thì đầu tiên hết là nhằm thưởng thức vị trà ngon, thứ đến là ngắm cảnh, và cuối cùng là trò chuyện. Xuất khẩu lao động Nhật Bản cũng là con đường tốt nhất đưa bạn đến nền văn hóa lâu đời này.
Đối với uống trà thông thường người thưởng thức trà có thể là người pha trà hoặc không phải là người pha trà, hai việc này có thể tách rời độc lập với nhau. Người thưởng thức trà là chủ thể chính của việc uống trà, người pha trà chỉ là chủ thể phụ, không đóng vai trò chính, có thể không được biết đến. Người thưởng thức trà có thể chỉ là một hoặc nhiều người, tuy nhiên, người ta khó có thể thưởng thức trà và phong cảnh một mình, vì vậy phải có sự chia sẻ với nhiều người khác như là bạn bè thân hữu hoặc gia đình.
Còn đối với nghi thức Trà đạo Nhật Bản, việc pha trà và uống trà là hai phần không thể tách rời. Người quan trọng nhất trong một nghi thức trà đạo là người thực hiện việc pha trà. Các thao tác của người pha trà thể hiện được cái tâm của người pha trà. Cái tâm này sẽ làm cho thao tác pha trà chuẩn mực hơn hay không cũng như là cuốn hút được những người tham gia nghi thức này hay không. Người pha trà đóng vai trò chủ thể chính thức của một nghi thức trà đạo. Còn người uống trà chỉ là chủ thể phụ của một nghi thức Trà đạo, hoà cùng chủ thể chính.
Khách thể của nghi thức Trà đạo Nhật Bản
Việc uống trà thông thường là nhằm thưởng thức trà ngon, ngắm cảnh và đàm đạo, vì vậy khách thể chính, đóng vai trò quan trọng trong việc uống trà chính là trà, nói cách khác là hương vị của trà. Người uống trà nhằm mục đích chính là thưởng thức mùi trà và vị trà. Chính vì điều này, ở Trung Hoa, Việt Nam cũng như Nhật Bản nhiều loại trà ngon và nổi tiếng đã được sinh ra.
Ngoài trà ra, cảnh đẹp và nội dung đàm đạo trong bàn trà cũng là những khách thể chính của việc uống trà. Người uống trà có thể ngắm bộ bình trà, ngắm hoa, ngắm trăng, ngắm nhìn các điệu múa để bổ sung cho việc uống trà và ngược lại, người uống trà có thể dùng vị trà ngon để phụ họa thêm cho việc ngắm cảnh đẹp, ngắm, múa hát của mình. Cũng như vậy, khi đàm đạo về một vấn đề thời sự, nghệ thuật như thơ ca, nhạc họa … người ta có thể bổ sung thêm câu chuyện bằng vị trà ngon hoặc ngược lại, lấy cầu chuyện đàm đạo để bổ sung cho việc thưởng thức trà ngon.
Trong khi đó, đối với nghi thức Trà đạo Nhật Bản, hương vị của trà không đóng vai trò chính như cái tên được gắn lên của nó. Chỉ có một loại trà duy nhất dùng cho nghi thức này là bột trà xanh matcha. Đây là loại trà có vị đắng, và ở dạng bột. Trà chỉ đóng vai trò phụ trong nghi thức Trà đạo Nhật Bản, bởi vì vị đắng của trà rất phù hợp với tôn chỉ trách xa sự xa hoa của Thiền, sẽ hỗ trợ cho việc tập trung suy ngẫm của các chủ thể uống trà.
Còn về khách thể chính của nghi thức Trà đạo Nhật Bản, đó chính là thao tác pha trà của người pha. Đó chính là thao tác uống trà của người uống. Cả người pha trà và người uống trà đều không quan tâm đến hương vị của trà, không quan tâm đến cái sản phẩm họ đang chế tác và tiếp nhận là gì. Mặc dù họ rất tôn trọng sản phẩm này, tuy nhiên cái mà họ tập trung vào chính là các thao tác. Họ hoà mình vào các thao tác, hoà mình vào với nhau và với cái thiên nhiên mộc mạc, đơn sơ do họ tạo ra nhằm để tâm trí họ được tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng giúp cho họ tập trung vào chỉ vấn đề họ đang quan tâm, và các thao tác này sẽ giúp họ lý giải được nó.
Người tham gia vào nghi thức Trà đạo cũng đã uống được ngụm nước trà, tuy nhiên trong chén trà của họ không chỉ có nước trà thông thường, mà đã được pha vào đó tinh thần của Thiền. Người ta gọi đó là “Trà Thiền Nhất Vị”.
Một trong những khách thể chính nữa của nghi thức trà đạo chính là các dụng cụ để pha và uống trà. Khác hẳn với nét tao nhã, xinh đẹp của các dụng cụ pha và uống trà thông thường, nhằm thể hiện sự xa hoa quyền quý của người uống trà, dụng cụ pha và uống của Trà đạo Nhật Bản rất mộc mạc. Các dụng cụ này được làm từ tre, gỗ, đất nung… với những hình dạng thô sơ và được trang trí rất mộc mạc. Điều này cũng cho thấy sự ảnh hưởng của triết lý tránh sự xa hoa của thiền tông.
Trong khi dụng cụ pha và uống trà thông thường chỉ đóng vai trò khách thể phụ, dùng để người uống trà cầm và nhìn ngắm sơ qua, thì dụng cụ pha và uống trà của nghi thức Trà đạo Nhật Bản lại đóng vai trò khách thể chính. Những dụng cụ này được nâng niu, lau cẩn thận, được người pha và người uống nhìn ngắm.
Thời gian thực hiện nghi thức Trà đạo Nhật Bản
Thông thường, thời điểm uống trà thường là buổi chiều tối, khi con người đã kết thúc một ngày làm việc, đến lúc đàm đạo. Buổi chiều tối cũng là lúc mát trời, nhiều cảnh đẹp hiện ra lúc hoàng hôn, cũng là lúc quần tụ gia đình. Ngoài ra, việc uống trà cũng được thực hiện vào lúc tàn các buổi tiệc, lúc xem ca múa… những lúc này không nhất thiết là vào chiều tối.
Tại Nhật Bản, nghi thức Trà đạo được thực hiện bất cứ thời gian nào trong ngày, bởi vì ảnh hưởng Thiền nên yếu tố thời gian không là yếu tố quan trọng khi thực hiện nghi thức Trà đạo. Cái quan trọng chính là lúc các chủ thể cần có sự tập trung, có sự tĩnh lặng, thế là nghi thức Trà đạo Nhật Bản được thực hiện.
Về quá trình thực hiện, thì quá trình pha trà của nghi thức Trà đạo Nhật Bản được thực hiện từ từ, kéo dài thời gian. Việc lau chùi dụng cụ và pha trà chủ yếu là để các chủ thể khác tập trung vào nên cần có thời gian thực hiện lâu dài. Trong khi đó việc uống trà thì thực hiên rất nhanh chóng, nhất là lần uống cuối cùng trong ba lần uống trà phải thật nhanh và kêu thật to. Việc này phản ánh sự tập trung cao độ của các chủ thể, không còn chú ý xung quanh nữa.
Trong khi đó quá trình pha trà thông thường thì ngược lại, rất nhanh. Nhưng quá trình uống trà lại kéo dài, vì ngoài trà, các chủ thể còn tập trung vào các đề tài bàn luận và ngắm cảnh vì vậy việc uống sẽ kéo dài, uống nhiều lượt.
Không gian thực hiện nghi thức Trà đạo
Khi đàm đạo thông qua uống trà thông thường, mọi người cần một không gian thoáng đãng, họ cần không gian đẹp để việc thưởng thức trà mang lại thêm niền sảng khoái. Không gian đẹp cộng với sự bày trí sang trọng đem lại sự tự tin và hãnh diện cho chủ nhà. Không gian đẹp, cảnh đẹp, bộ dụng cụ uống trà đẹp thì chắc chắn trà sẽ rất ngon.
Thế nhưng, việc thực hiện nghi thức Trà đạo Nhật bản lại được thực hiện trong một không gian nhỏ với các bày trí như sau:
Nơi thực hiện nghi thức Trà đạo được gọi là trà thất (Chashitsu) nằm trong các khu vườn thanh tịnh. Phòng trà là phòng kiểu Nhật (Washitsu), được xây dựng từ vật liêu chính là gỗ. Nền là những tấm thảm tatami (giống như tấm chiếu cói của Việt Nam). Lối vào các trà thất thường nhỏ hẹp, được ghép thành từ các viên đá lớn. Cách bày trí bên ngoài và bên trong trà thất rất đơn giản, mộc mạc và thô sơ. Bên trong thường có treo một bức tranh thủy mặc hoặc một câu thư pháp nơi hốc tường, kèm với 1 bình hoa cắm theo kiểu ikebana.
Việc thực hiện trà thất với khung cảnh và chất liệu hoàn toàn gần gũi thiên nhiên mộc mạc, cho thấy nghi thức Trà đạo rất phù hợp với triết lý hoà hợp thiên nhiên của Thiền. Con người là tiểu vũ trụ, thiên nhiên là đại vũ trụ và con người sẽ sống thật nhất với bản chất của mình khi con người hoà vào thiên nhiên, tức là tiểu vụ trụ hoà vào đại vũ trụ.
Tóm lại, các tiêu chí về chủ thể, khách thể, không gian và thời gian của nghi thức Trà đạo
Nhật Bản có thể được tóm tắt trong bảng sau:
Tiêu chí Uống trà thông thường Trà đạo Nhật Bản:
- Chủ thể Chính Người uống Người pha
- Phụ Người pha Người uống
- Khách thể Chính Hương vị trà, cảnh đẹp, nội dung đàm đạo Thao tác pha và uống (Thiền), dụng cụ pha và uống
- Phụ Dụng cụ pha trà Hương vị trà
Thời gian Thời điểm Khi tiếp khách, lúc tàn tiệc, lúc đàm đạo, lúc ngắm cảnh đẹp, lúc thư giãn. Khi cần tĩnh tâm, cần giảm căng thẳng (Tuyệt đối không nói chuyện).
Quá trình Thời gian pha ngắn, thời gian uống lâu, đàm đạo, kéo dãn thời gian đàm đạo, uống nhiều lượt. Thời gian pha rất lâu, thời gian uống rất nhanh, chỉ uống một đến hai lượt, tập trung thời gian suy nghĩ.
Không gian Nơi có phong cảnh đẹp, nơi được bày trí đẹp, thể hiện sự sang trọng. Mộc mạc, đơn sơ, càng gần giống với thiên nhiên càng tốt, trang phục giản đơn.
Mục đích Thưởng thức, thưởng ngoạn, đàm đạo, giao tế. Tập trung tĩnh tâm, suy ngẫm, hòa hợp thiên nhiên.
Bản chất Nghiêng về vật chất, trần tục. Nghiêng về tinh thần, tâm thức (Thiền).
Như vậy, với mục đích tĩnh tâm, tập trung suy ngẫm, người Nhật Bản đã hoà hợp con người mình với thiên nhiên thông qua việc thực hiện nghi thức Trà đạo. Nghi thức này có bản chất nghiêng về tinh thần, mang tính linh thiêng, thể hiện rõ hình ảnh và triết lý Thiền.
Trong khi đó, việc uống trà thông thường thể hiện mục đích là thưởng thức, là phương tiện giao tế, mang tính hưởng thụ vật chất, thể hiện cái trần tục của con người.
Ngày nay, nghi thức Trà đạo Nhật Bản được thực hiện phổ biến mọi nơi tại Nhật Bản. Đối vời người Nhật, nghi thức Trà đạo hiện nay chủ yếu mang ý nghĩa là giúp con người giảm áp lực công việc… Việc thực hiện trình tự pha và uống cũng được đơn giản hoá, chỉ có điều là phải được thực hiện trong phòng kiểu Nhật.
Vì uống trà nhiều thường sẽ dẫn đến việc bị say trà, mặt khác, vị của cha no yuu là vị đắng, nên thường thì trước khi uống, người bình thường sẽ được mời ăn một chút bánh ngọt (Omogashi hoặc higashi).
Kết luận
Với tên gọi sadou, hiểu theo tiếng Hán nghĩa là “Trà đạo”, nghi thức Trà đạo Nhật Bản luôn được hiểu theo một cách nghỉ đơn giản là “Cách uống trà Nhật Bản” hay là “Nghệ thuật pha và uống trà Nhật Bản”. Ngay cả những nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài vẫn luôn chuyển ngữ thuật ngữ “Trà đạo” thành “The way of Tea”, tạm dịch là “Cách thức uống trà”. Với những du học sinh học tập và làm việc tại Nhật Bản nên thưởng thức nét văn hóa này dù chỉ một lần.
Tuy nhiên, qua những gì trình bày ở trên, chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa thực sự của nghi thức Trà đạo Nhật bản trong văn hoá Nhật Bản.
Vì được hình thành dựa trên triết lý Thiền, nên thật ra nghi thức Trà đạo Nhật Bản nhằm thể hiện các triết lý Phật giáo Thiền tông.
Theo triết lý Thiền, thì con người là một tiểu vũ trụ nằm trong đại vũ trụ là thế giới tự nhiên. Cuộc sống của con người có rất nhiều điều chưa lý giải được nguyên nhân và bản chất. Để lý giải được những thắc mắc, con người phải hoà tâm trí mình vào tự nhiên – nói cách khác là để tiểu vũ trụ hoà vào đại vũ trụ – bằng cách tĩnh lặng tâm trí, không bị chi phối bới bên ngoài.
Các nhà sư thì dùng cách Tọa thiền nơi sơn dã, tĩnh lặng để thực hiện triết lý trên. Hoặc là xây dựng những phong cảnh hoang dã giả tạo nơi khuôn viên chùa để thực hiện việc toạ thiền. Còn người dân Nhật Bản đã thực hiện triết lý trên thông qua nhiều phương cách khác nhau, trong đó có việc thực hiện nghi thức Trà đạo Nhật Bản.
Vậy thì ý nghĩa đích thực của “Trà đạo” trong văn hoá Nhật Bản phải được hiểu là “Hoà hợp con người với thiên nhiên qua thao tác pha và uống trà”.