Điều gì đã làm nên những con người Nhật Bản vừa gần gũi, thân thiện vừa năng động, tự tin và đặc biệt cực kỳ có ý thức với công việc cũng như với xã hội? Có phải chính những đức tính đó đã làm nên một Nhật Bản giàu có, hiện đại và văn minh được cả thế giới ngưỡng mộ? Câu trả lời cho những câu hỏi đó là điều mà tôi luôn tâm niệm và vẫn tiếp tục tìm kiếm mỗi ngày. Và với mỗi ngày đến rồi lại đi, mỗi cuộc gặp gỡ, mỗi chuyến hành trình, tôi lại càng hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn để có thể chắc chắn rằng đức tính đáng quý nhất của những người con xứ sở hoa anh đào này chính là ý chí và lòng tự trọng.
Ý chí và tự trọng là gì? Đó là những gì định hướng cho nhân cách và hướng đi của tất cả chúng ta. Nó nâng ta lên mỗi khi ta vấp ngã. Nó chỉ cho ta thấy con đường để đi mỗi khi lạc bước. Nó cũng giúp ta luôn đứng vững và không ngừng tiến lên trên con đường mình đã chọn. Chỉ cần có tự trọng, ta luôn biết điều đúng đắn phải làm. Và chỉ cần có ý chí, ta sẽ luôn thành công.
Nước Nhật xinh đẹp và phồn vinh đã được dựng xây nên từ chính những con người luôn mang trong mình những phẩm chất đáng quý nhất đó!
Dù rằng phần lớn chúng ta, những người vẫn đang sống và xây dựng thế giới ngày nay, đều sinh ra sau những ngày bom đạn khốc liệt của cuộc thế chiến. Nhưng hẳn rằng chẳng ai trong chúng ta không biết, không hình dung được những gì đã tới với Nhật Bản ngày nào. Năm 1945, nước Nhật trở thành nạn nhân đầu tiên, cũng là nạn nhân duy nhất cho tới tận ngày nay của vũ khí hạt nhân. Loại vũ khí đáng sợ và đáng lên án nhất lịch sử loài người đã dội xuống những người dân Hiroshima và Nagasaki, để lại những hậu quả trầm trọng về người và tài sản cũng như tàn phá thiên nhiên suốt hàng thập kỷ sau.
Việt Nam ta cũng đã trải qua mưa bom bão đạn, cũng biết bao đau thương, nhưng chắc chắn không có cuộc chiến nào có thể tàn khốc và kinh hoàng như thảm hoạ bom nguyên tử mà người Nhật hứng chịu. Nước Nhật thất thủ và bị chiếm đóng. Một màn đêm vô vọng dường như đã phủ lên đảo quốc một thời hùng mạnh này. Nhưng không, thảm hoạ qua đi là lúc người Nhật đứng lên đi tiếp, mạnh hơn và nhanh hơn. Họ không có niềm tự hào về chiến thắng, cũng không có sự hậu thuẫn của thiên nhiên tươi đẹp với tài nguyên, khoáng sản. Họ chỉ có một thứ, đó là lòng tự trọng của một dân tộc không thể chịu bị quật ngã, là ý chí luôn đứng vững và tiến lên. Chỉ vài thập kỷ ngắn ngủi trôi qua, một đất nước bị tàn phá đã nhanh chóng trở thành một cường quốc thế giới về cả khoa học, công nghệ cũng như kinh tế.
Gần đây thôi, tháng 3 năm 2011, một trận sóng thần đã tàn phá cả một vùng và cướp đi sinh mạng của gần hai mươi nghìn người. Ấy thế nhưng trong đổ nát và tang thương, người Nhật vẫn thật bình tĩnh và đầy nghị lực. Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về tình đoàn kết, sự nhẫn nại và ý chí quật cường của người Nhật sau tai hoạ này. Nhưng phải tới một năm sau sự kiện đó, trong chuyến công tác của mình tôi mới có dịp ghé thăm vùng bờ biển nơi trận sóng thần đã diễn ra. Tôi không tin nổi vào mắt mình, đến mức tôi phải hỏi một người bạn đi cùng đoàn hôm đó vốn đang ở Nhật Bản rằng “Đây đúng là nơi năm ngoái có sóng thần chứ?”. Thật đáng kinh ngạc, thật kì diệu thay, những khung cảnh hoang tàn ngày nào tôi thấy trên báo chí hay truyền hình chẳng hề có ở nơi đây. Ngay cả sự đau buồn, sầu não cũng khó lòng tìm thấy trên gương mắt, trong ánh mắt mỗi người mà chúng tôi gặp ngày hôm đó.
Đường giao thông hoạt động hoàn toàn bình thường, những công trình xây dựng tuy không thể so sánh với những nơi như thủ đô Tokyo nhưng cũng rất đầy đủ và gọn gàng, nguồn điện, nước cũng như mọi tiện ích xã hội và dịch vụ công cộng đều không thua kém bất cứ nơi đâu tôi từng tới. Sau một năm, hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân nơi đây đã lại diễn ra như bao ngày vẫn diễn ra trước thảm hoạ. Nỗi buổn chỉ còn thoang thoảng đâu đây, nhưng mãnh liệt nhiều lần hơn thế là tinh thần làm việc không ngừng nghỉ, quyết tâm cùng chung sức làm hồi sinh quê hương. Điều thần kỳ đó liệu có thể thấy ở nơi đâu khác trên thế giới này?
Mỗi lần tới thăm, dù là du lịch hay những chuyến công tác dài ngày, tôi lại càng thêm yêu mến và cảm phục ý chí kiên cường và lòng tự trọng của những người dân đất nước Mặt Trời mọc. Sau bao điều kỳ diệu hiện hữu, điều đầu tiên tôi nhận ra trong cách sống của người Nhật là sự tự chủ, tự lực.
Còn nhớ một lần gặp gỡ và trò chuyện với Tiến sĩ Lê Doãn Hợp – Nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, khi nói tới văn hoá sống của người Nhật và người Việt Nam, Nguyên bộ trưởng có nói với tôi một câu: “Người có văn hoá là người không làm phiền người khác.” Tôi cứ tâm đắc và suy nghĩ về câu nói đó mãi và đối chiếu nó với những mỗi hoàn cảnh mình gặp. Không làm phiền người khác là điều mà tôi cảm nhận rõ nhất, sâu sắc nhất khi gặp gỡ con người Nhật Bản. Người Nhật luôn cố gắng làm mọi thứ ở mức tốt nhất có thể, nhất là khi đó là việc, là nhiệm vụ của mình. Nhờ tới sự giúp đỡ của người khác đối với người Nhật là sự làm phiền, là thiếu lịch sự và cũng chính là sự tự hạ thấp tự trọng của bản thân. Họ cũng luôn đặt việc đúng hẹn, đúng giờ lên rất cao, bởi khi bạn trễ hẹn tức là bạn đã làm ảnh hưởng tới người khác, hoặc có thể là ảnh hưởng tới cả tập thể hay xã hội.
Lòng tự trọng và văn hoá ứng xử đó trong công việc đã là đáng quý, nhưng đáng quý hơn là nó được ứng dụng trong ngay cuộc sống mỗi ngày, và không chỉ ở người trưởng thành và khoẻ mạnh. Ở Nhật Bản, trẻ nhỏ không được bố mẹ đưa đi học, càng không có cảnh những chiếc xe đi vào tận sân trường để con trẻ đỡ phải đi bộ vài chục bước chân như Việt Nam ta. Các em nhỏ đều tự đến trường bằng bất cứ phương tiện gì phù hợp nhất, ngay đến cặp sách cũng không có người mang giúp mà tất cả đều tự đeo. Trong quan điểm giáo dục của người Nhật, sự tự lực cần được giáo dục từ những ngày thơ ấu, để khi trưởng thành các em luôn là những người tự trọng, luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành mọi công việc. Lòng tự trọng và ý chí kiên cường đó đi theo mỗi người Nhật cho tới tận cuối đời như câu chuyện này mà tôi đã gặp trong chuyến công tác gần đây.
Trẻ em tự đến trường từ khi còn rất nhỏ
Hôm đó là một ngày trời trong và ấm áp. Tôi cùng đoàn công tác tranh thủ được ít thời gian dạo bước chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc mang đủ dáng dấp hiện đại xen với cổ kính của thành phố Tokyo và ngắm nhìn cuộc sống thường nhật của con người nơi đây. Qua cổng một siêu thị, tôi thấy một cụ bà có lẽ đã suýt soát 80 đang cố gắng mang một chiếc túi nặng với rất nhiều đồ vừa mua sắm được để ra bến tàu điện. Khi tôi vừa nhìn thấy là lúc cụ cũng vừa dừng bước để nghỉ chân, quệt bớt mồ hôi lăn trên trán. Một số người đi qua chỉ dừng lại trong chớp mắt rồi lại đi ngay. Ngạc nhiên quá, tôi đi nhanh tới để giúp bà cụ, nghe loáng thoáng phía sau tiếng gọi của cậu bạn đi cùng đoàn, nhưng tôi chỉ ra hiệu hãy đợi tôi. Cụ bà gật đầu chào tôi rất niềm nở, nhưng ngay sau đó, bất ngờ làm sao cụ nhất định không để tôi giúp.
Điều này làm tôi thật sự ngạc nhiên, bởi trước giờ trong suy nghĩ của tôi việc giúp đỡ người lớn tuổi luôn là một niềm vui, và tôi cũng luôn chắc chắn rằng những người cao tuổi xứng đáng để nhận sự giúp đỡ từ lớp trẻ. Phải ít giây sau, khi các bạn cùng đoàn đuổi kịp tôi và cùng chào bà cụ, tôi mới được nghe cậu cùng đoàn cho hay: “Lúc nãy em không kịp gọi thì anh đã đi rồi. Không phải không ai giúp bà cụ đâu. Có mấy người dừng lại có ý hỏi có cần giúp không, cụ ấy không cần là họ đi ngay. Người Nhật là thế, họ không khách sáo đâu, khi họ thấy có thể làm được thì họ sẽ làm và không muốn người khác giúp.”. Câu chuyện chỉ ngắn có vậy, nhưng đã để lại cho tôi bao ấn tượng sâu sắc, làm tôi càng hiểu rõ thêm, thấm thía thêm về con người Nhật Bản.
Truyền thống văn hoá thật sinh động, đậm chất Á Đông, nền giáo dục hiện đại với triết lý nhân văn sâu sắc, và cả chính những thử thách và gian nan đã cùng tạo nên người Nhật không chỉ sáng tạo và khẩn trương trong công việc, thân thiện và chân thành trong tình cảm, mà còn thật nghị lực và đầy kiêu hãnh.
Học hỏi tinh hoa nhân loại không chỉ ở khoa học, công nghệ, hay ở các mô hình quản lý và kinh doanh. Tinh hoa nhân loại còn hội tụ ở những giá trị nhân văn trong mỗi con người, mỗi nền văn hoá. Nước Nhật thật đáng ngưỡng mộ và là một tấm gương sáng cho rất nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam chúng ta. Và điều đáng để học hỏi ở người Nhật nhất, đó chính là ý chí và lòng tự trọng!