Cùng Trung tâm Ngoại Ngữ HAATO tìm hiểu về ngày Tết của Đất nước Nhật Bản (hay còn được gọi là Oshougatsu) với khá nhiều điều thú vị, độc đáo.
Tết Nhật Bản là ngày nào?
Nhật Bản – một đất nước phát triển lớn mạnh về kinh tế, khoa học kỹ thuật, … và đặc biệt là văn hóa Nhật. Ngày nay, Nhật Bản đã không còn đón tết âm lịch như các nước Châu Á khác. Vào năm 1873, 5 năm sau khi Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản đã thông qua lịch Gregorian và ngày đầu tiên của tháng 1 dương lịch hàng năm đã trở thành ngày Tết chính thức tại Nhật Bản. Tuy nhiên Tết truyền thống Nhật Bản vẫn luôn giữ gìn được những sắc thái văn hóa đặc trưng của phương Đông.
Món ăn đặc trưng ngày Tết Nhật Bản
Món ăn đặc trưng nhất trong ngày Tết của Nhật Bản phải kể đến Osechi, món này chỉ được ăn vào dịp Tết.
Osechi
Osechi là tên gọi của những món ăn đặc trưng ngày Tết của người Nhật Bản. Vào ngày Tết họ ăn Osechi trong 3 ngày, và Osechi được chuẩn bị vào khoảng những ngày 30 – 31/12 của năm trước.
Osechi bao gồm các món ăn độc đáo sau:
Kuromame: Hay còn gọi là đậu đen Nhật. Món này rất tốt cho sức khỏe nên mang hàm ý cầu mong một năm mới dồi dào sức khỏe.
Kazunoko: Món ăn này được làm từ trứng cá trích Thái Bình Dương, khi ăn có vị thơm và giòn, khi nhai phát ra tiếng rộp rộp như pháo nổ. Món ăn này tượng trưng cho sự đông đúc, con cháu đầy đàn, là sự mong ước có thêm thành viên trong gia đình vào năm mới (nhiều con).
Tazukuri: Món này được làm từ cá mòi cơm châu Âu sấy khô (Iwashi), với mong ước một vụ mùa bội thu trong năm mới.
Món Osechi được để trong những chiếc hộp xinh xắn màu đỏ có tên là Ojyu. Vào 3 ngày Tết, người Nhật sẽ ăn Osechi cùng các món ăn khác, và các mẹ sẽ không phải nấu ăn trong 3 ngày Tết này mà chỉ dành trọn thời gian để nghỉ ngơi và vui chơi.
Ngoài ra, vào ngày Tết, người Nhật Bản cũng có nhiều món ăn độc đáo khác nữa (bạn có thể bắt gặp chúng vào ngày thường chứ không như Osechi, chỉ được ăn vào dịp Tết) như:
Bánh Mochi/ bánh dày Nhật Bản
Bánh Mochi sẽ được xếp trên một chiếc mâm, bên trên là một quả quýt Nhật vàng óng. Đây là nơi các vị thần trú lại khi đến thăm nhà nên mâm bánh Mochi thường được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Mâm lễ này còn có tên gọi khác là Kagamimochi.
Súp Ozoni
Đây là một loại súp (canh) được nấu từ xương, thịt lợn và các loại rau củ quả như đậu cove, củ cải, cà rốt, nấm… Khi bát súp còn nóng, người ta sẽ cho bánh mochi vào ăn cùng tạo nên một hương vị vô cùng đặc biệt.
Toshikoshi Soba
Hay còn được gọi là mì kiều mạch, mì trường thọ: Đúng như tên gọi, loại mì này được làm từ bột kiều mạch nên sợi mì có màu nâu đặc trưng. Nhìn bên ngoài, mì trường thọ trông khá giống mì lạnh của Hàn Quốc. Người Nhật Bản thường ăn Toshikoshi Soba kèm với Tempura (tôm tẩm bột chiên) và nấm.
Shushi, Sashimi
Ngoài các món ăn truyền thống thì Shushi/ sashimi là những món ăn thường hay xuất hiện trên bàn ăn của người Nhật vào dịp Tết.
Rượu Sake
Vào bữa ăn đầu tiên của năm mới, người Nhật thường uống rượu Sake. Rượu được rót ra một chiếc chén (bát) nhỏ màu đỏ vô cùng xinh xắn. Rượu Sake có vị thơm, ngọt và rất thích hợp để dùng kèm các món ăn của người Nhật.
Tết Nhật Bản đi chơi ở đâu?
Vào ngày Tết, người dân Nhật Bản chủ yếu chỉ ở nhà và quây quần bên gia đình nên không khí ngày Tết ở Nhật Bản có phần khá tĩnh lặng (không giống như ở Việt Nam, mọi người thường đi chúc Tết bạn bè và đi du xuân).
Nếu đến Nhật Bản vào ngày Tết, bạn có thể đi trượt tuyết và ngắm tuyết rơi (thường thì Tết ở Nhật Bản là thời điểm lạnh nhất trong năm) hoặc ghé thăm và thắp hương tại các ngôi đền/ chùa nổi tiếng của Nhật Bản như:
Chùa Ginkakuji (chùa Bạc) ở cố đô Kyoto: Đây là ngôi chùa cổ có tuổi thọ hàng trăm năm và được rất nhiều người Nhật Bản đến thắp hương vào ngày Tết.
Kinkaku-ji (chùa Gác Vàng) ở cố đô Kyoto: Ngôi chùa có tuổi thọ hàng trăm năm, được dát vàng bên ngoài vô cùng nổi tiếng của Nhật Bản.
Kiyomizu-dera (chùa Thanh Thủy) ở cố đô Kyoto: Ngôi chùa này có tuổi thọ lên tới 1200 năm và là ngôi chùa cổ nhất ở Nhật Bản.
Sanjusangendo (Chùa 33 gian) ở cố đô Kyoto: Ngôi chùa này được coi là báu vật quốc gia của Nhật Bản vì sở hữu tới 1.101 bức tượng Phật tượng chạm khắc thủ công từ thế kỷ 13.
Daigoji ở cố đô Kyoto: Ngôi chùa được làm từ gỗ quý, xung quanh trồng rất nhiều hoa anh đào và cây phong.
Yakushiji ở Nara: Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất ở Nhật Bản.
Todaiji ở Nara: Đây là một trong những ngôi chùa cổ có kiến trúc gỗ lớn nhất thế giới và là nơi lưu giữ tượng Phật Tỳ Lô Giá Na bằng đồng vĩ đại.
Chùa Ryoanji ở cố đô Kyoto: Nổi tiếng với vườn đá – Rock Garden.
Chùa Ninna ở cố đô Kyoto: Ngôi chùa có ngọn tháp 5 tầng và vườn hoa anh đào nổi tiếng.
Chùa Byodo ở cố đô Kyoto: Ngôi chùa có phong cảnh hữu tình nhất ở Nhật Bản.
Chùa Tenryuji ở cố đô Kyoto: Ngôi chùa có khu vườn Sogen Chiteien và vườn tre Sagono cực nổi tiếng.
Chùa Senso–ji ở Tokyo: Là ngôi chùa cổ nhất ở Tokyo.
Chùa Kotoku-in ở Kamakura: Ngôi chùa nổi tiếng khắp thế giới với tượng Phật cao 11,35m và nặng 121 tấn.
Trò chơi ngày Tết ở Nhật Bản
Vào ngày Tết, người Nhật thường chơi những trò chơi truyền thống mà ngày thường họ ít có dịp được chơi. Các trò chơi truyền thống của Nhật Bản có thể kể đến như:
Trò thả diều Takoage: Cũng giống như trò thả diều của Việt Nam, người Nhật sẽ làm những chiếc diều với đủ loại hình dáng, màu sắc sau đó mang đi thả ở những nơi rộng rãi, các bãi đất trống… Người Nhật thường chơi trò này với các con cháu trong gia đình để mọi người thêm phần gắn kết với nhau.
Trò đánh cầu lông Hanetsuki: Trò đánh cầu lông này không phải là môn thể thao cầu lông mà chúng ta từng biết. Để chơi Hanetsuki, người ta phải chơi theo cặp (1 cặp, 2 cặp…). Họ sẽ dùng một chiếc vợt được làm bằng gỗ có in hình họa tiết để đánh quả cầu lông (quả cầu này làm bằng giấy và có rất nhiều màu sắc).
Trò chơi quay Komamawashi: Những con quay truyền thống của Nhật Bản có hình dáng rất đặc biệt. Vào ngày Tết, người lớn sẽ hướng dẫn trẻ con cách chơi trò này và cùng chơi với chúng trong sự cổ vũ của cả gia đình.
Những ngày trước Tết ở Nhật Bản
Người Nhật Bản cũng có phong tục dọn dẹp và trang trí nhà cửa, đón thần linh vào trước ngày Tết.
Ngày đón thần Toshigamisama
Nếu như trước Tết ở Việt Nam đón ông Công ông Táo vào ngày 23 thì ở Nhật Bản, họ cũng đón một vị thần có tên gọi là thần Tushikamishama hạ giới vào ngày 27 tháng 12 dương lịch. Vị thần này khi hạ giới sẽ trú mình vào cây tùng nên vào ngày 27, 28 dương lịch người Nhật hay trang trí nhà cửa bằng một cây tùng.
Ngày dọn dẹp nhà cửa để đón Tết
Ngày này được người Nhật gọi là ngày Osouji, ngày này thường là ngày 30 hoặc 31 tháng 12. Vào ngày này, cả gia đình người Nhật sẽ cùng nhau dọn dẹp từng ngóc ngách trong ngôi nhà, lau chùi đồ đạc và vứt bỏ những đồ dùng đã cũ không còn sử dụng đến nữa.
Ngày trang trí nhà
Người Nhật thường trang trí nhà cửa vào ngày 28 hoặc 30 Tết, họ tránh ngày 29 vì theo tiếng Nhật, ngày 29 có phát âm gần giống với từ “Nijyu no kurrushimi”, có nghĩa là “Hai lần nỗi đau” nên nếu trang trí nhà vào ngày này bạn sẽ gặp phải nhiều chuyện đau buồn trong năm mới.
Người Nhật thường trang trí nhà bằng các vật dụng sau:
Kadomatsu: Bao gồm 3 ống tre tươi cắt vát chéo được buộc với những cành thông, dùng treo trước cửa nhà để đón thần linh.
Shimekazari: Là những sợi dây thừng được tết từ cỏ khô, sau đó tạo dáng thành những hình thù trang trí đáng yêu và dùng trang trí ở lối đi trong nhà hay treo trên bàn thờ để xua đuổi tà ma.
Giấy trắng, lá màu trắng: Dùng để xua đuổi tà ma.
Làm cơm tất niên
Người Nhật Bản cũng ăn cơm tất niên vào buổi tối cuối cùng của năm cũ giống như người Việt chúng ta. Bữa cơm tất niên được người Nhật gọi với cái tên là Bonenkai.
Đón giao thừa
Vào đêm giao thừa, tất cả người dân Nhật Bản sẽ ngồi và nghe đủ 108 hồi chuông tượng trưng cho 108 ham muốn của con người phát ra từ các ngôi chùa gần nhà hoặc xem phát trực tiếp trên tivi. Sau khi nghe chuông xong, tất cả mọi người trong gia đình sẽ quây quần lại và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới.
Trong 3 ngày Tết ở Nhật Bản
Viết thiệp chúc mừng
Người Nhật Bản có một truyền thống đó là viết thiệp chúc mừng năm mới và gửi cho người thân, bạn bè ở nơi xa. Nếu như một thành viên trong gia đình mất đi, người thân của họ cũng sẽ viết thiệp thông báo cho những người ở xa rằng thành viên đó đã mất và không nên gửi thiệp chúc mừng năm mới cho họ nữa.
Trao lì xì
Cũng giống như Việt Nam, vào ngày Tết, người Nhật thường tặng lì xì cho trẻ con với mong muốn trong năm mới chúng sẽ trưởng thành hơn, ngoan ngoãn và học hành giỏi giang hơn nữa. Tiền lì xì được gọi là Otoshidama, còn phong bao lì xì của người Nhật được gọi là Pochibukuro.
Đi chùa
Người Nhật cũng thường đi chùa vào năm mới để cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Khi đi chùa, người ta thường đặt lễ là tờ 5 Yên (vì số 5 trong tiếng Nhật phát âm là “Go en”, đồng âm với từ duyên hay may mắn).
Chơi trò chơi dân gian
Vì Tết là khoảng thời gian tụ họp gia đình nên người Nhật sẽ không đi thăm nhà bạn bè mà thường cùng nhau chơi những trò chơi dân gian như thả diều, đánh cầu lông hay chơi quay…
Hết Tết ở Nhật Bản
Thời điểm hết Tết thường là ngày 11/1 dương lịch hàng năm (cũng có thể là ngày khác, giống như Việt Nam chúng ta có nhà hóa vàng vào mùng 3 thì chính là hết Tết vào mùng 3 và tiễn tổ tiên về trời). Vào ngày này, người Nhật sẽ hạ mâm bánh mochi xuống. Những chiếc bánh mochi lúc này đã khô cứng lại, họ sẽ dùng một chiếc chày nhỏ để đập bánh mochi cho nát vụn ra (vì thần linh không thích những vật sắc nhọn như dao, kéo nên họ phải dùng chày), sau đó cho vào súp Ozoni. Lúc bạn ăn hết bát súp Ozoni thì cũng chính là thời điểm hết Tết.
Sau khi hết Tết, các vật dụng trang trí nhà cửa cũng được gỡ xuống và các hoạt động thường ngày lại bắt đầu được tiếp diễn.
Cùng Trung tâm Ngoại Ngữ HAATO tìm hiểu về ngày Tết của Đất nước Nhật Bản (hay còn được gọi là Oshougatsu) với khá nhiều điều thú vị, độc đáo.
Tết Nhật Bản là ngày nào?
Nhật Bản – một đất nước phát triển lớn mạnh về kinh tế, khoa học kỹ thuật, … và đặc biệt là văn hóa Nhật. Ngày nay, Nhật Bản đã không còn đón tết âm lịch như các nước Châu Á khác. Vào năm 1873, 5 năm sau khi Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản đã thông qua lịch Gregorian và ngày đầu tiên của tháng 1 dương lịch hàng năm đã trở thành ngày Tết chính thức tại Nhật Bản. Tuy nhiên Tết truyền thống Nhật Bản vẫn luôn giữ gìn được những sắc thái văn hóa đặc trưng của phương Đông.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Công ty cổ phần Ichikawa Việt Nam
Trung tâm Ngoại ngữ HAATO
Cơ sở 1: Số 135 Phố Lãng Yên, Phường Thanh Lương, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Cơ sở 2: 250 Nguyễn Văn Linh, Phường Xuân Hoà, Thành Phố Phúc Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc
Cơ sở 3: Số nhà 20 ngõ 353 Bát Khối, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Số điện thoại: 04239879203; 0969655528 ; 0912033556
Website: http://www.ivn.edu.vn/
Cơ sở 1: Số 135 Phố Lãng Yên, Phường Thanh Lương, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Cơ sở 2: 250 Nguyễn Văn Linh, Phường Xuân Hoà, Thành Phố Phúc Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc
Cơ sở 3: Số nhà 20 ngõ 353 Bát Khối, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Số điện thoại: 04239879203; 0969655528 ; 0912033556
Website: http://www.ivn.edu.vn/