Sunday, December 8
Hotline: 0969655528 - Địa Chỉ: Số 135 Phố Lãng Yên – Phường Thanh Lương – Hai Bà Trưng – Hà Nội

RÈM NOREN – TẤM RÈN TREO ĐỘC ĐÁO CỦA NHẬT BẢN

Google+ Pinterest LinkedIn Tumblr +

Trong văn hóa của người Nhật có rất nhiều vật dụng vô cùng tiên dụng luôn xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của mọi người. Và một trong những vật dụng vô cùng quen thuộc chính là tấm rèm được treo trước mỗi cửa hàng hay nhà hàng được gọi là Noren. Noren là vải ngăn truyền thống của Nhật Bản, treo giữa phòng, trên các bức tường, cửa ra vào, cửa sổ. Tấm vải ngăn Noren thường có một hoặc nhiều khe hở được cắt dọc từ dưới lên gần đỉnh của tấm vải, cho phép người ta có thể dễ dàng đi qua hoặc vén màng để nhìn qua. Noren có hình chữ nhật và được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau và kích thước, màu sắc, mẫu mã cũng không cố định các yếu tố trên phụ thuộc vào nhu cầu và mục đích của người sử dụng.

Không chỉ có chức năng ngăn cách, che chắn thông thường, Noren còn nắm giữ tầng ý nghĩa sâu xa, được sử dụng như một tín hiệu thông báo/quảng cáo ý nhị, đúng với phong cách khiêm cung và tinh tế của người Nhật Bản.

LỊCH SỬ RA ĐỜI CỦA RÈM NOREN

Không ai có thể khẳng định chính xác khoảng thời gian Noren ra đời. Theo ghi chép thì có thể loại rèm này xuất hiện đầu tiên ở thời kỳ Jomon với công dụng như một tấm chắn gió. Những hình ảnh về chúng cũng xuất hiện trên những bức hoạ thời Heian, cho thấy người dân vùng núi và làng chài ven biển bắt đầu sử dụng Noren để che bớt nắng nóng, gió bụi vào nhà.

Rèm Noren thuở sơ khai chỉ là một mảnh vải trắng hoặc đơn sắc giản dị. Sau này, khi kinh tế trở nên hưng thịnh, cụ thể là vào thời Muromachi, các cửa tiệm buôn bán mới gán thêm cho Noren chức năng biển quảng cáo để nâng tầm nhận diện thương hiệu của mình. Noren từ đó có sự chuyển mình rõ rệt về màu sắc. Chúng trở nên rực rỡ hơn với dãy màu đa dạng và hoa văn cầu kỳ, phong phú. Mỗi ngành nghề kinh doanh lại có một màu rèm cửa Noren đặc thù.

THIẾT KẾ VÀ CHỨC NĂNG

Noren tuy là rèm nhưng lại không che phủ hoàn toàn lối đi, mà chỉ được treo ngăn cách trên lưng chừng cao. Điểm độc đáo này giúp Noren hoàn thành chức năng che nắng, gió, bụi của mình, mà vẫn đảm bảo sự lưu thông không khí phía bên trong nhà. Vào mùa đông giá buốt, thiết kế này giúp giữ lại hơi ấm trong phòng, không bị tràn ra ngoài. Ở thân Noren có một đường xẻ dọc từ vạt dưới lên gần mép treo, giúp người ra/vào có thể vén rèm đi qua một cách thuận tiện.

Noren thường được xẻ thành nhiều mảnh, mỗi tà rộng từ 35-45cm với số lượng dao động từ 2,3 đến 5 tà tuỳ kiểu dáng. Loại Noren phổ biến nhất là loại xẻ 3 tà dài 113cm. Kiểu Noren vùng Kanto có đính kèm những cạp may đứt quãng để treo rèm. Trong khi đó, loại rèm cửa Noren vùng Kansai lại được may thông vành để tiện cho việc luồn cây treo.

Loại rèm này ban đầu được làm từ vải sợi gai khá thô cứng và khó in màu. Sau, chất liệu được thay thế bằng vải cotton có sự buông rủ mềm mại và công đoạn in ấn cũng trở nên dễ dàng hơn. Càng ngày Noren lại càng trở nên phong phú về màu sắc và hoạ tiết in ấn. Tuy nhiên, người Nhật vẫn ưa chuộng loại rèm cửa Noren nhuộm chàm thẫm hơn cả.

Để cho bắt mắt, người ta còn in lên Noren những logo cách điệu đẹp mắt hoặc những bức tranh Phù thế (Ukiyo-e) rất đỗi công phu.

Noren được chia thành nhiều loại mang công dụng khác nhau.

Han-noren với độ dài tiêu chuẩn 57cm để che lơ lửng trước quán ăn, nhà tắm công cộng, suối nước nóng, quán mì, sushi, tiệm vải hoặc trà quán. Kiểu che “nửa kín nửa hở” này khiến người qua đường có thể nhìn vào bên trong hàng quán và mang tính chất biển hiệu nhiều hơn là rèm che. Han-noren mang nhiều màu sắc sặc sỡ để thu hút chú ý.

Naga-noren với chiều dài 160cm thường được xẻ 2 tà, thực hiện đúng chức năng che chắn của mình. Ngoài nhiệm vụ cản nắng gió bụi bặm, loại Noren này còn ngăn không cho người ngoài nhìn thấy nội thất quán ở bên trong. Do đó, Naga-noren thường hay được nhà hàng truyền thống và trà quán sử dụng để đảm bảo sự trang trọng, riêng tư của mình. Loại Noren này có nước màu đen hoặc chàm thẫm, trên mình in chữ trắng, thể hiện sự lịch thiệp và đề cao yếu tố truyền thống.

Mizuhiki-noren là loại rèm nhỏ và ngắn (với độ dài chỉ khoảng 40cm) được treo nhiều ở các mái hiên ngay lối ra vào, với công dụng chủ yếu trang trí. Mizuhiki-noren trở thành điểm nhấn đáng yêu, thể hiện cho người qua đường biết được đây là một cửa tiệm kinh doanh theo cách ý nhị gần gũi, không hề khoa trương.

Hiyoke-noren là loại noren to nhất có chiều dài từ 160-220cm với công dụng che chắn gió bụi, nắng nóng ở các nhà hàng, quán rượu, tiệm gốm sứ. Với bề mặt lớn bắt mắt, Hiyoke-noren trở thành tấm biển quảng cáo hiệu quả, tô điểm đáng kể cho bộ mặt nhà hàng. Người ta in lên đó những biểu trưng, câu slogan và thậm chí là cả ưu đãi khuyến mãi. Hiyoke-noren cũng thường được làm bằng loại vải tối màu in chữ sáng, vô cùng nổi bật từ phía xa.

NOREN VÀ NHỮNG Ý NGHĨA SÂU XA

Ban đầu, Noren chỉ được dùng như một vật che chắn nắng nóng, gió bụi cho nhà cửa. Sau đó, nó trở thành biển tên thương hiệu và một món trang trí nội thất không thể thiếu vắng trong căn nhà Nhật Bản. Rèm Noren đóng vai trò như những cánh cửa khép hờ, giúp ngăn cách các gian phòng mà không tạo cảm giác bí bách. Thi thoảng, chúng còn nhẹ nhàng tung bay trong gió tạo nên một khoảnh khắc rất đỗi êm đềm, nên thơ.

Noren thể hiện sự ý nhị và tinh tế của người Nhật Bản khi khéo che đi nửa trên và chỉ để lộ phần dưới không gian. Bằng cách này, các cửa hàng có thể đảm bảo sự riêng tư cho khách hàng trong khi vẫn có được một lối vào nhẹ nhàng, thân thiện. Noren còn giúp chủ nhà dấu đi chồng bát đĩa còn bừa bộn trong bếp, khiến chúng không thể được nhìn thấy từ phòng ăn. Đặc biệt khi nhà đang tiếp khách và không đủ thời gian chuẩn bị.

Ở những quán trọ suối nước nóng, rèm Noren màu xanh-đỏ giúp khách phân biệt lối vào dành cho nam-nữ, một kiểu biển báo kiệm lời và vô cùng hiệu quả.

Đối với một cửa hàng kinh doanh, Noren thường xuất hiện ở trước cửa hàng như một “lời chào mời” thân thiện. Khi quán mở cửa phục vụ, bạn sẽ thấy tấm Noren được treo chỉnh tề ở lối ra vào. Khi Noren được cất đi, điều đó đồng nghĩa với quán đang đóng cửa, bạn hãy quay lại sau.

Rèm Noren ở các quán ăn có vẽ biểu tượng Yago-một dấu ấn thương hiệu đặc trưng của tiệm, thể hiện mức độ uy tín và đẳng cấp của nhà hàng. Khi một người thợ lành nghề của quán tách ra mở tiệm riêng, với sự cho phép của sư phụ mình, anh ta có quyền đem Yago nguyên bản in lên Noren của tiệm mới. Hành động này được gọi là “sự chia sẻ Noren” một hình thức nhượng quyền thương hiệu với tấm rèm Noren trở thành bảo chứng cho chất lượng và uy tín nhà hàng.

Một tấm Noren bẩn thể hiện nhà hàng buôn bán có lộc, làm ăn phát đạt đến độ khách nườm nượp ra vào, chạm đến Noren nhiều khiến chúng mau chóng bị bẩn đi. Tấm Noren cũng thường được cắt trùng ở giữa tạo thành khe hở để tiền tài dễ đi vào, giúp công việc làm ăn ngày một phát đạt hơn, đó là một niềm tin lâu đời trong giới kinh doanh Nhật Bản.

Rèm Noren sau một thời gian dài dần phát triển thành một loại giao tiếp hình ảnh, biểu trưng cho cung cách văn hoá lịch thiệp và cách thể hiện chừng mực, duyên dáng của người Nhật. Chỉ một tấm vải mỏng manh lại ấp ủ biết bao giá trị văn hoá khiến người ta không khỏi kinh ngạc về cách người Nhật nâng tầm những thứ nhỏ bé lên thành yếu tố đặc thù của cả một bản sắc dân tộc.

Noren sẽ vẫn còn mãi ở đó nhưng không chỉ riêng với vị trí tấm rèm cửa, mà trở thành một biểu tượng thẩm mỹ, một chiêu thức quảng bá kinh doanh thú vị với dấu ấn của chữ tín và chất lượng. Bao nhiêu trọng trách là vậy mà chúng vẫn tung bay nhẹ nhàng như không, điềm tĩnh và an nhiên như chính cách người Nhật sống chân thật và hưởng thụ cuộc sống của họ vậy.

Share.

About Author