“Xin chào các bạn!
Tôi ở Nhật như vậy cũng đã gần 5 năm rồi. Khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để trải qua những cảm giác bỡ ngỡ khi mới sang Nhật, làm quen với môi trường hoàn toàn lạ lẫm, tiếp đó là lớp mới, bạn bè mới, đi xin việc làm thêm, tìm hiểu trường cao học sau khi học tiếng và sau đó là tốt nghiệp và đi làm.
Về việc đi làm thêm thì tôi có khá nhiều kinh nghiệm. Kinh nghiệm ở đây không phải là trong chuyên môn mà là trong cách làm việc với người Nhật tại khá nhiều môi trường khác nhau: Quán nhậu, quán trưa, combini, quán ăn truyền thống, quán hệ thống đồ ăn Việt tại Nhật. Thế nên nếu bạn nào mới sang có gì cần hỏi về cách làm việc với người Nhật khi làm thêm thì hãy liên hệ với tôi nhé.
Hôm nay thì tôi sẽ đề cập tới lưu ý khi làm việc với người Nhật, nhưng là trong môi trường làm việc chính thức tại các công ty, doanh nghiệp Nhật Bản tại Nhật Bản.
+ Mục đích:
Đất nước Nhật Bản cũng như bao đất nước trên thế giới này đều phải đấu tranh mới giành được độc lập tự do như ngày hôm nay. Ngoài chiến tranh với con người thì họ thường xuyên phải đấu tranh với thảm họa thiên nhiên, những thiên tai khủng khiếp. Và rồi bằng đôi bàn tay của những con người đó, họ lại xây dựng lại mọi thứ tuyệt vời, mởi mẻ và phát triển như chưa có gì xảy ra.
Với sự kiên cường và nỗ lực đó thì họ mới có được một cường quốc đứng nhất nhì thế giới. Chính vì thế, họ cũng luôn yêu cầu mỗi cá nhân phải mạnh mẽ và đầy năng lực để gìn giữ và thúc đẩy đất nước đi lên.
Việt Nam ta vẫn là một nước nghèo. Dân trì và ý thức của chúng ta có nhiều khác biệt với người Nhật. Tuy nhiên, không thể không thừa nhận rằng chúng ta nên học hỏi người Nhật và tiếp thu kĩ thuật của họ.
Thị trường mở cửa. Người Nhật tạo nhiều điều kiện để Việt Nam được giao lưu, học hỏi, đào tạo tại chính nước sở tại thuận lợi hơn.
Vì thế, người Việt chúng ta càng thêm phần nể phục và tự giác nâng cao ý thức học hỏi phong cách, phương thức và lưu ý khi làm việc với người Nhật để có thể rút ngắn được khoảng cách văn hóa giữa hai đất nước đúng không nào?
+ Cúi người chào hỏi:
Đây là tập quán của người Nhật.
Với người Nhật, đây là cách thể hiện thái độ tôn trọng với người đối diện.
Thường thì trong quan hệ công việc có 2-3 kiểu chào phụ thuộc mức độ gập người của bạn. Với đồng nghiệp thì bạn có thể hỏi cúi người, gật đầu nhẹ cùng những câu nói xã giao.
Với khách hàng thì góc gập sẽ lớn hơn khoảng 30 độ.
Và với những người như là cấp trên hay người có chức cao hơn thì hãy giữ lưng thẳng và gập từ chỗ thắt lưng xuống khoảng 45 độ.
Thông thường, nam giới để dọc tay hai bên đùi và gập người, nữ giới thì đặt bai bàn tay chồng lên nhau đặt trước bụng và gập người xuống.
+ Giữ yên lặng:
Nếu bạn có cơ hội làm việc hay thử việc trong một công ty toàn người Nhật thì bạn sẽ thấy điều này hoàn tòan tự nhiên. Khi làm việc, người Nhật hoàn toàn giữ yên lặng tuyêt đối. Dù có ngồi cạnh nhau thì đôi khi họ vẫn chỉ trao đổi qua máy tính hoặc trao đổi rất nhỏ, không làm phiền đến những người xung quanh, càng không có việc cười đùa hay to tiếng trong giờ làm việc.
Đây cũng là một trong những nguyên tắc quan trọng khi bạn làm việc trong môi trường toàn người Nhật.
+Trao đổi cụ thể
Người Nhật khi làm việc mỗi người thường mang kèm theo ít nhất một cuốn sổ tay. Cuốn sổ này được dùng dể ghi lại mọi thông tin trong quá trình làm việc, đàm phán, lịch trình.
Bạn hãy nhớ luôn trao đổi thông tin đến mức cụ thể nhất nhằm giúp cho hiệu quả công việc cao và chính xác tuyệt đối.
+ Không bao biện:
Nhiều bạn trong chúng ta hay có thói quan giải thích. Và nếu giải thích không khéo thì sẽ trở thành bao biện, ngụy biện. Đây là điều mà người Nhật cực kì không thích và thậm chí họ sẽ tỏ thái độ ngay khi bạn làm những điều này.
Khi mắc lỗi hay bị ai đó nói bạn mắc lỗi. Hãy xin lỗi và nếu biết không phải lỗi của bạn thì hãy lắng nghe lời họ nói, sau đó tự đi kiểm chứng lại và nói với họ sau khi đã chắc chắn rằng họ mới là người nhầm lẫn. Nếu ngay thời điểm đó bạn nói lại, hay bao biện cho bản thân thì kết quả sẽ không hay chút nào cả. Điều đó sẽ gây ác cảm cho người Nhật và ấn tượng không tốt cho những người Việt làm cùng sau này.
Vậy nên hãy bình tĩnh và luôn vị tha trên nước bạn nhé !!!
+ Giao tiếp bằng tiếng Nhật:
Bởi vì tiếng Nhật không phải tiếng mẹ đẻ nên dù có ở bao lâu thì bạn cũng khó mà giao tiếp hoàn hảo như người Nhật (trừ khi bạn ở từ tuổi lên 3, lên 5). Thế nhưng chỉ cần bạn cố gắng và thể hiện được rằng mình đang cố gắng làm hết sức để giao tiếp bằng vốn tiếng Nhật ít ỏi của mình thì người Nhật sẽ đánh giá rất cao và ghi nhận sự nỗ lực của bạn.
+ Tự tin:
Tự tin là phong thái cần có khi làm việc với người Nhật. Người Nhật luôn ấn tượng với những người có phong thái tự tin và thể hiện sự đáng tin cậy. Hãy trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như gọn gàng trang phục, tập luyện cách nói chuyện trôi chảy, lịch sự trong giao tiếp để thế hiện được sự chững chạc của bản thân ngay lần đầu gặp mặt nhé.
** Tóm tắt
Khi bước chân sang một đất nước khác, ngôn ngữ chính là rào cản lớn nhất. Hãy trau dồi vốn ngôn ngữ cũng như dùng ngôn ngữ để học và hiểu về văn hoá của đất nước ấy, bạn sẽ thích ứng nhanh chóng và biết đâu lại nhận ra “đâu cũng là nhà”