Saturday, September 7
Hotline: 0969655528 - Địa Chỉ: Số 135 Phố Lãng Yên – Phường Thanh Lương – Hai Bà Trưng – Hà Nội

Những Điều Cần Biết Khi Thuê Nhà Ở Nhật

Google+ Pinterest LinkedIn Tumblr +

Thuê nhà ở Nhật khá khác so với thuê nhà ở Việt Nam. Với các bạn mới sang Nhật lần đầu, chắc sẽ bỡ ngỡ khi đi thuê nhà khi thấy có bao nhiêu điều kiện và các khoản chi phí ngoài tiền trả hàng tháng. Để các bạn hiểu rõ hơn về việc thuê nhà tại Nhật, HAATO xin tổng hợp các thông tin cần thiết nhất khi đi thuê nhà tại đây.

Thuê nhà ở Nhật luôn là một vấn đề khá đau đầu và rắc rối với người nước ngoài. Không phải bạn chỉ cần trả tiền thuê nhà là bạn đã có thể thuê một căn nhà. Cũng không phải bạn muốn thuê căn nhà này và liên lạc trực tiếp với chủ nhà là có thể thuê luôn được. Vì có rất nhiều chủ nhà không muốn cho người nước ngoài thuê. Một yếu tố khác nữa là thuê nhà ở Nhật, thường liên quan đến rất nhiều bên như văn phòng bất động sản, chủ nhà, công ty quản lý, công ty bảo lãnh rồi công ty bảo hiểm v.v.

Khi muốn thuê nhà, bạn có thể tìm kiếm thông tin trên Internet trước, sau đó sẽ liên hệ với bên văn phòng bất động sản để đi xem nhà. Hoặc bạn có thể đến trực tiếp văn phòng bất động sản nhờ tư vấn.

CẤU TRÚC CĂN NHÀ

Chắc hẳn khi bạn tìm nhà, trong mục lựa chọn sẽ có ghi cấu trúc căn nhà dạng 1 phòng, 2 phòng, … theo ký hiệu 1R, 1DK…Hãy tham khảo thông tin sau để hiểu rõ các ký hiệu này nhé.

+ 1R: one Room, loại nhà có 1 phòng đơn khá phổ biến với sinh viên, trong đó có đầy đủ: bếp, nhà vệ sinh nhà tắm, thềm, hiên, …. Nhưng khá nhỏ thường dành cho 1 người ở (Một số nhà gỗ cũ có thể không có nhà tắm, lúc thuê nhà bạn nhớ chú ý)

+ L: Living room, phòng khách

+ D: Dining room, phòng ăn

+ K: Kitchen, bếp

+ 1K: nhà có 1 phòng ngủ và bếp

+ 2DK: nhà có 2 phòng ngủ, phòng ăn và bếp (bếp thường chung với phòng ăn)

+ 2LDK: nhà có 2 phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn và bếp.

Một số khái niệm:

アパート: Khu nhà tập thể, được làm bằng gỗ hoặc cốt thếp chất liệu nhẹ. Những nhà này thường chịu động đất kém hơn nhà bê tông và cách nhiệt, cách âm cũng kém hơn, vì vậy thường lạnh vào mùa đông, nóng vào mùa hè và khá ồn ào. Thường rẻ hơn マンション.

マンション: Nhà tập thể, chung cư được làm từ bê tông cốt thép. Thường cách âm, cách nhiệt tốt hơn アパート. Những căn nhà xây sau năm 1997 thường sẽ có cấu trúc chịu động đất tốt hơn.

一戸建て いっこだて: Nhà nguyên căn

シェアハウス: Sharehouse, phòng ngủ riêng, còn lại các phòng bếp, ăn, wc là dùng chung.

オール電化:Nhà toàn bộ đều dùng điện, từ bếp nấu đến nước nóng,… Những nhà này thường sạch và an toàn hơn nhà dùng gas.

TIỀN THUÊ NHÀ

Tùy vào từng khu vực bạn muốn sinh sống mà giá thuê nhà sẽ khác nhau. Ở Tokyo có giá khá cao, dao động từ 50,000 yên ~ 80,000 yên. Ngoài ra, nếu như bạn ở cùng bạn bè thì khi share tiền nhà ra thì cũng rẻ hơn. Hoặc bạn có thể lựa chọn hình thức nhà Share House.

Nhà càng mới, càng gần ga tàu điện, siêu thị, hoặc trung tâm mua sắm thì càng đắt. Đối với manshon, phòng nào càng ở tầng trên cao thì càng đắt. Ngược lại thì đối với các nhà khu ít dân cư, hoặc xa ga hoặc ở ngoại thành Tokyo thì giá sẽ thấp hơn.

TIỀN ĐẦU VÀO KHI THUÊ NHÀ

Như ban đầu mình đã đề cập, bạn sẽ không thể thuê được nhà nếu chỉ trả tiền thuê nhà hàng tháng.

Ngoài tiền thuê nhà thì bạn còn phải mất thêm một loạt phí như:

♦ Tiền cọc: Thường dùng để trả cho những chi phí sau khi bạn ra khỏi nhà như dọn dẹp… Thường thì 1 – 2 tháng tiền nhà. Nếu như bạn ra khỏi nhà mà nhà sạch sẽ như ban đầu thì có thể tiền sửa chữa ít hơn và bạn sẽ được trả lại một phần tiền này.

♦ Tiền lễ: Đây là tiền đưa cho chủ nhà. Khoản tiền này sẽ không được trả lại sau khi kết thúc hợp đồng.

♦ Phí môi giới: Phí trả cho công ty Bất động sản khi bạn thuê nhà. Tùy vào từng công ty môi giới mà sẽ có giá khác nhau, hường là từ 50% đến 2 tháng tiền nhà.

♦ Phí bảo lãnh: Đây là phí trả cho công ty bảo lãnh. Đối với người nước ngoài nếu không có người Nhật bảo lãnh thì chủ nhà thường sẽ yêu cầu bạn phải dùng đến công ty bảo lãnh để đảm bảo.

♦ Bảo hiểm hỏa hoạn: Trong trường hợp người thuê nhà sơ ý gây ra các sự cố như hỏa hoạn, rò rỉ nước,… thì phải bồi thường thiệt hại cho chủ nhà. Vậy nên để đảm bảo an toàn, bạn sẽ được yêu cầu tham gia bảo hiểm hỏa hoạn. Phí bảo hiểm 1 năm khoảng 10,000 yên, khi vào nhà sẽ có nơi yêu cầu trả gộp 1 lần cho 2 năm.

♦ Phí thay khóa: Phí thay ổ khóa mới cho bạn để tránh người thuê trước đó có thể vào nhà bạn.

Tùy từng khu vực mà sẽ có sự khác nhau, có nhiều nhà không phải trả tiền cọc, tiền lễ, cũng có nơi chỉ trả một trong hai hoặc có nơi thì phải trả cả hai. Thông thường khi thuê nhà, tiền ban đầu bạn phải trả khá là cao.

KÝ KẾT HỢP ĐỒNG NHÀ

Hợp đồng sẽ được ký kết tại văn phòng Bất động sản. Ngoài địa điểm đó ra thì bạn không nên ký hợp đồng ở bất kỳ đâu. Hãy cẩn thận với các công ty Bất động sản ký kết tại những địa điểm khác.

Cần chuẩn bị sẵn các giấy tờ cần thiết để ký hợp đồng như thẻ ngoại kiều, con dấu v.v. Hãy đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng trước khi ký nhé.

CÁC THỦ TỤC CẦN LÀM SAU KHI CHUYỂN NHÀ

Trước khi chuyển nhà thì bạn cũng phải liên hệ với công ty quản lý điện, nước, ga để thông báo về việc sẽ ngừng sử dụng dịch vụ từ thời gian nào. Sau đó thì bạn cũng có thể thông báo luôn ngày sẽ chuyển đến địa chỉ mới để công ty quản lý xử lý giúp bạn.

 Thủ tục bắt đầu sử dụng nước

Sau khi thuê nhà xong thì bạn cũng chưa thể dùng được luôn điện, nước, ga. Bạn cần phải đăng ký với từng công ty quản lý để có thể sử dụng.

Bạn có thể làm thủ tục qua Internet hoặc gọi điện trực tiếp. Trước khi chuyển đến 3-4 ngày bạn hãy liên hệ với công ty cấp nước để liên hệ trước về việc bắt đầu sử dụng nước. Mỗi một vùng sẽ có số liên lạc khác nhau, bạn có thể xem trong giấy tờ nhập nhà để liên hệ với công ty cấp nước mình chuyển đến nhé.

Trong trường hợp thủ tục đã xong nhưng không có nước. Có thể sử dụng nước máy ngay tại nơi chuyển đến hoặc là phải mở van bên ngoài thì mới dùng được.

Để biết van khóa nước ở chỗ nào cần hỏi chủ nhà. Nếu như đã hoàn tất thủ tục mà vẫn không có nước, có khả năng van khóa nước trước đồng hồ đang bị khóa. Bạn có thể mở van khóa nước này một cách đơn giản.

 Thủ tục bắt đầu sử dụng điện

Tại thời điểm báo cắt điện tại nhà cũ, hãy thông báo luôn ngày bắt đầu sử dụng điện tại địa chỉ mới.

Còn một cách khác nếu bạn có nhiều thời gian đó là đăng ký qua bưu điện. Tại nhà cho thuê, “giấy đăng kí sử dụng điện” được đựng trong túi nylon bỏ trong hòm thư treo ở nắm tay cửa ra vào hoặc trên cầu dao điện. Bạn hãy điền vào các mục của giấy đăng ký rồi bỏ vào hòm thư của bưu điện. Nếu không thấy giấy đăng ký thì phải liên lạc với công ty điện lực

 Thủ tục bắt đầu sử dụng ga

Gas thì thường đi kèm với các vấn đề nguy hiểm khi mở van ga, nên nhân viên của công ty gas sẽ đến. Nhân viên phụ trách sẽ tiến hành rò rỉ khí gas, kiểm tra thiết bị gas …khi đó nhân viên sẽ vào tận phòng để kiểm tra an toàn nên cần sự có mặt của người ở nhà.

Vào mùa cao điểm chuyển nhà (giữa tháng 3 ~ tháng 4) sẽ có rất nhiều người yêu cầu mở van gas, nên bạn cần đăng ký sớm.

 Cách thanh toán

Bạn có thể thanh toán tiền điện, nước, ga hàng tháng bằng cách trừ tự động thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng hoặc tự trả qua combini. Nếu tự trả sẽ có hóa đơn gửi đến, bạn mang hóa đơn ra cửa hàng tiện lợi là thanh toán được.

Nếu không thanh toán sẽ bị cắt điện, nước, ga.

Thông báo chuyển nhà

Thủ tục này bạn phải làm tại Kuyakusho hoặc Shiyakusho. Khi đến làm thủ tục mang theo thẻ cư trú và con dấu rồi điền vào đơn 転出届 (てんしゅつとどけ) theo mẫu. Sau khi làm xong thủ tục bạn sẽ nhận được giấy chứng nhận ra khỏi nơi ở hiện tại. Vì giấy này cần sử dụng khi chuyển đến nơi ở mới nên bạn giữ cẩn thận.

Sau khi chuyển nhà đến địa chỉ mới, trong vòng 2 tuần bạn phải đến Shiyakusho hoặc Kuyakusho để làm thủ tục 転入届 (てんにゅうとどけ) đăng ký chuyển đến.

Trong trường hợp chuyển đến cùng 区, 市 thì chỉ cần làm thủ tục 転居届 (てんきょとどけ) là được. Thủ tục này cũng cần làm trong vòng 14 ngày.

Một thủ tục nữa mà bạn cần phải làm đó là thay đổi địa chỉ ở tất cả các giấy tờ, thẻ cần thiết như thẻ ngân hàng, nơi đăng ký điện thoại, thẻ tín dụng v.v.

Gia hạn hợp đồng nhà 更新

Thông thường Hợp đồng thuê nhà ở Nhật sẽ có hạn khoảng là 2 năm. Trước khi đến thời hạn khoảng 2-3 tháng thì công ty Bất động sản sẽ liên hệ với bạn xem bạn muốn gia hạn hay hủy hợp đồng.

Trong trường hợp bạn muốn gia hạn hợp đồng thì phải điền vào các giấy tờ mà bên Bất động sản gửi và phải đóng phí gia hạn hợp đồng, phí bảo hiểm, phí bảo lãnh. Phí gia hạn thường thì là 1 tháng tiền nhà.

Trường hợp bạn muốn hủy hợp đồng, thì bạn cũng phải báo trước cho công ty Bất động sản. Thông thường sẽ yêu cầu báo trước 1 hoặc 2 tháng. Sau đó thì hai bên sẽ trao đổi về các vấn đề liên quan như tiền đặt cọc, dọn dẹp nhà, kiểm tra xem có tiền phạt hợp đồng hay không.

Lưu ý: Khi trả phòng thì nên dọn dẹp sạch sẽ, đưa căn phòng trở về trạng thái ban đầu khi thuê là tốt nhất nếu có thể. Nếu như trong thời gian sinh sống ở đó không giữ gìn sạch sẽ, cẩn thận, hoặc làm hỏng hóc đồ gì, … có thể sẽ bị mất thêm tiền không mong muốn.

♦ NHƯỢNG NHÀ: tìm nhà nhượng hay nhượng lại đều là vi phạm hợp đồng nhà nhé, người đứng tên trên hợp đồng sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm dù ở hay không ở đó, các bạn nên chú ý đến điểm này nhé.

Share.

About Author