Không có gì thực sự bị phá vỡ – đó là triết lý đằng sau nghệ thuật Kintsugi của Nhật Bản, một nghề thủ công hàn gắn đồ gốm bị vỡ bằng cách sử dụng các đường nối từ vàng tuyệt hảo.
1.Kintsugi là gì?
Trong tiếng Nhật, từ Kintsugi có nghĩa là “dùng vàng để hàn gắn”, đây là một nghề thủ công xuất hiện từ thế kỷ 15 dành riêng cho việc phục hồi gốm. Kintsugi là một loại hình nghệ thuật cổ xưa có thể biến gốm vỡ thành những kiệt tác hồi sinh từ vàng. Bên cạnh đó, kintsugi cũng mang một ý nghĩa triết học sâu sắc về việc tập trung vào vẻ đẹp và sức mạnh tiềm ẩn trong cuộc sống.
Theo đó, những người thợ thủ công Nhật Bản mài dũa những mảnh gốm hay sơn mài đã vỡ và ghép chúng lại với nhau bằng hỗn hợp loại “nhựa” bí truyền (resin) hoặc sơn mài trộn bột vàng, bạc hoặc bạch kim. Những món đồ sau khi ghép sẽ không những lành lặn mà còn đẹp hơn nhiều lần so với món đồ ban đầu và trở thành một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.
2.Nguồn gốc của nghệ thuật Kintsugi
Theo những tài liệu của người Nhật ghi lại, kỹ thuật Kintsugi được khởi nguồn từ thời đại Muromachi (từ thế kỉ 14 – 16) thời kì đỉnh cao của văn hóa trà đạo. Bắt nguồn từ việc tướng quân Ashikaga Yoshimasa làm vỡ vỡ một trong những chiếc bát trà Trung Quốc yêu quý nhất của mình, để có thể phục hồi được chén trà yêu thích của mình ngài đã gửi những mảnh vỡ của nó sang Trung Quốc để họ hàn gắn lại. Tuy nhiên, khi nhận lại món đồ ngài chỉ nhận được một chiếc chén với những vết vá bằng kim loại thô kệch vô cùng xấu xí. Để có thể cứu vãn được vật mình yêu thích, ngài đã yêu cầu những người thợ Nhật Bản tìm ra phương thức sửa chữa mới, đây chính là tiền đề cho kỹ thuật Kintsugi được ra đời.
Từ đó, Kintsugi trở thành một loại hình nghệ thuật và đã tồn tại được hơn 500 năm. Với ý nghĩa “kết hợp với vàng”, đồ gốm sứ bị vỡ sẽ được hàn lại bằng một đường sơn mài và kim loại quý, cụ thể là vàng, bạc, bạch kim. Nhìn vào nghệ thuật của Kintsugi, người ta có thể thấy ngay sức mạnh biến đổi của nó. Các mảnh vỡ của một chiếc bình sẽ được nối lại một cách điêu nghệ với viền vàng ánh sang trọng.
Mặc dù hình dạng ban đầu của chiếc bình đã bị biến mất mãi mãi, thông qua thuật giả kim của Kintsugi, bản chất vẻ đẹp của chiếc bình không chỉ tiếp tục tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
3.Các kỹ thuật phục chế trong Kintsugi
Phương pháp phục hồi (Crack- ひび): Đây là phương pháp cơ bản nhất của Kintsugi. Nghệ nhân sẽ tìm cách gắn các vết nứt hay lấp các mảnh bị thiếu trên món đồ gồm bằng hỗn hợp có thành phần chính là vàng. Thành quả tạo được là đường vân nổi ánh kim tinh tế hoặc những mấu vàng chấm phá rất đẹp.
Phương pháp thay thế (Piece method- 欠けの金継ぎ例): Phương pháp này được dùng trong trường hợp mảnh vỡ bị thiếu quá lớn, không có mảnh vỡ cùng loại. Theo đó, các nghệ nhân sự dùng toàn bộ là loại “nhựa” vàng hoặc hợp chất vàng – sơn mài để ốp lên thành mảng thay thế. Kỹ thuật này phô diễn trọn vẹn sự tỉ mỉ cùng tay nghề điêu luyện của nghệ nhân.
Phương pháp ghép lai (Joint call- 呼び継ぎ): Là việc dùng các mảnh vỡ có chất liệu tương tự nhưng hoa văn khác với sản phẩm được ghép. Phương pháp này đòi hỏi sự tinh tế của người nghệ nhân vì phải lựa chọn những mảnh vỡ phù hợp và tương đồng về màu sắc, bố cục, mang đến giá trị nghệ thuật cao cho tác phẩm.
Những món đồ bị vỡ sau khi được hàn lại bằng sự kết hợp giữa sơn mài và vàng thường đẹp hơn và bền hơn lúc đầu. Nó trở thành những tác phẩm đầy chất nghệ thuật, mang biểu tượng của sức mạnh, sự mong manh và cái đẹp trong sự thiếu hoàn hảo. Đồng thời, giá trị nghệ thuật và giá trị vật chất của món đồ không hề bị giảm đi sau khi mang lên mình những vết hàn gắn đó.
4.Ý nghĩa của nghê thuật Kintsugi
Nghệ thuật này cũng mang trong mình một triết lý phương Đông pha lẫn phương Tây: Nếu vẻ đẹp đáng kinh ngạc như vậy có thể xuất hiện từ các mảnh vỡ của chiếc bình, thì một sự biến đổi tương tự cũng có thể xảy ra với chính con người chúng ta.
Nói theo cách khác, sự biến đổi không chỉ là việc đưa các mảnh vỡ của cuộc sống trở lại với nhau, mà còn là sự tái tạo lại toàn bộ bản thân trong đó các mảnh vỡ của chúng ta được ghép thành một kiệt tác đẹp đẽ, hoàn hảo.
Kintsugi thuộc một trong những tư tưởng Thiền tông của người Nhật: tôn trọng những thứ đơn giản, cũ kĩ và đi tìm vẻ đẹp trong sự thiếu hoàn hảo. Bởi vậy, người Nhật thường có câu “cuộc đời ta giống như một chiếc chén đã vỡ”. Từ những vấp ngã, tổn thương, thất bại mà chúng ta phải trải qua sẽ trở thành những vết sẹo đi mãi theo chúng ta suốt cuộc đời, nhưng nếu chúng ta biết hàn gắn nó, tô vẽ cho nó thoát khỏi sự đau buồn, rạn nứt, thì những vết sẹo đó chính là một trong những điều khiến ta trở nên hoàn hảo và mạnh mẽ hơn trước.
Nghệ thuật Kintsugi cũng cho chúng ta thấy rằng chẳng có ai là hoàn hảo trên cuộc đời này, nhưng những vết sẹo cuộc đời có thể khiến chúng ta tỏa sáng như những chiếc bát được hàn gắn lại từ bột vàng.