Sunday, January 19
Hotline: 0969655528 - Địa Chỉ: Số 135 Phố Lãng Yên – Phường Thanh Lương – Hai Bà Trưng – Hà Nội

“ITADAKIMASU” – MỘT CHỮ CẢM ƠN, CẢ TRỜI Ý NGHĨA

Google+ Pinterest LinkedIn Tumblr +

Những ai từng đặt chân đến Nhật Bản hoặc tìm hiểu về văn hóa của Nhật Bản đều biết rằng, trước mỗi bữa ăn người Nhật thường nói “Itadakimasu!” kèm theo hành động chắp tay đầy kính cẩn. Nhiều người ngoại quốc không hiểu phong tục Nhật Bản đều cho rằng đó là biểu thị: “cảm ơn vì bữa ăn” hoặc “xin phép được dùng bữa”, kỳ thực đó không phải là hàm nghĩa chân chính của câu nói này.  Itadakimasu không chỉ là một lời cảm ơn đơn thuần, một hình thức chúc ăn ngon mà còn ẩn chứa ý nghĩa vô cùng sâu sắc.

Trong bài viết dưới đây, HAATO sẽ cùng các bạn tìm hiểu về ý nghĩa biểu đạt quan trọng trong bữa ăn ở Nhật.

Vì sao người Nhật lại nói “Itadakimasu” trước mỗi bữa ăn?

Người Nhật có một câu nói rất hay rằng: “Trên mỗi hạt gạo đều có 7 vị thần”. Đối với họ, vạn vật hữu linh, từ cây cỏ, hoa lá, trăng sao, cho đến chim muông và các loài động vật thì sau khi chết đi đều sẽ trở thành “thần”. Người Nhật cho rằng, những sinh mệnh đã cống hiến thân mình để trở thành thức ăn cho con người đều là những vị thần đáng tôn kính; bởi vậy, trân quý đồ ăn cũng chính là trân quý sự chăm sóc và bảo hộ của Thần dành cho con người.

Tại sao chúng ta phải thể hiện sự quý trọng bữa ăn mình mất công nấu nướng, hay bỏ tiền ra mua? Bởi vì với người Nhật, ăn không phải là việc hưởng thụ, mà là sự cho đi. Bất kể thức ăn của bạn là mặn hay chay, trước khi đặt lên đĩa, nó đã từng là một sinh mệnh sống động (inochi). Để duy trì sự sống cho con người, một sinh mệnh khác buộc phải hy sinh. Trong tiếng Nhật, “頂きます” (Itadakimasu) nghĩa là “cung kính đón nhận”. Vì đã nhận được rất nhiều “sự sống” (inochi) từ vạn vật nên chúng ta cần cảm thấy biết ơn những sinh mệnh ấy, ta phải nói “Itadakimasu”.

Trước một đĩa thức ăn, người Nhật sẽ nhớ đến triết học cho – nhận sâu sắc của Itadakimasu, và hướng sự kính cẩn tới vạn vật trên đời, từ tự nhiên cho tới con người.

  • Nguyên liệu tự nhiên

Trước hết, Itadakimasu biết ơn đến những sinh vật đã hy sinh để tạo ra bữa ăn cho bạn. Đó có thể là thịt cá nhưng cũng có thể là hạt gạo trong bát cơm, hạt đậu nành trong nước tương, thậm chí chỉ là một hạt muối mè. Nếu đã xuất hiện trên trái đất này, vạn vật đều có sự sống và cần được tôn trọng, biết ơn khi sử dụng.

  • Người góp phần làm ra món ăn

Dĩ nhiên, để thịt cá và rau củ trở thành món ăn ngon, không thể không có yếu tố con người đó là những người nông dân ngày ngày ra đồng, trồng trọt hay những ngư dân đánh cá, bán hàng, người vận chuyển, v.v… Hãy tưởng tượng, một chú cá phải trải qua nhiều khó khăn thế nào dể đến được bàn ăn của bạn. Từ lòng biển đến tàu đánh cá, từ tàu đánh cá ra chợ, rồi từ chợ tới nhà hàng hoặc bàn ăn gia đình. Quá trình ấy là thành quả lao động của hàng trăm con người mà bạn không biết tên, nhưng nếu không có họ, bạn chẳng thể nào có nổi một bữa ngon.

Nói “itadakimasu” trước bữa ăn cũng nhắc nhở chúng ta phải hướng đến những đóng góp vô hình ấy.

  • Người thiết đãi, người nấu bữa ăn

Cuối cùng, đừng bao giờ quên biết ơn những điều tốt đẹp ngay trước mặt. Khi tới nhà ai và được thiết đãi, điều đầu tiên bạn phải nói trước bữa ăn chính là itadakimasu, với ý nghĩa rất đơn giản và thực tế: Cảm ơn đã cho tôi thức ăn, tôi sẽ kính trọng và ăn thật ngon. Sự kính trọng này không chỉ hướng đến gia chủ, mà còn dành cho người bán hàng và đầu bếp ở nhà hàng nữa. Miễn là có ai nấu ăn cho bạn, thì đó đã là một sự “cho” cần phải khắc ghi trong lòng.

Itadakimasu gói trong đó sự trân trọng với không chỉ tự nhiên, mà với cả công sức của những người đã tạo ra những món ăn – “Tôi rất cảm kích và xin được nhận bữa ăn này” – có lẽ đó mới là câu diễn tả đủ ý nghĩa của Itadakimasu.

Lịch sử của “Itadakimasu”

Cách nói “Itadakimasu” được cho là bắt nguồn từ một số vùng nước Nhật từ sau thời Meiji (1913), đó là cách nói mà các quý tộc Nhật sử dụng trước khi dùng bữa – tầng lớp được xem là có học và sang trọng.

Với sự phát triển của truyền hình sau thế chiến thứ 2 những bộ phim truyền hình gia đình của Nhật Bản bắt đầu phổ biến và cụm từ này cũng dần phổ biến hơn. Nhận thấy ý nghĩa tốt đẹp của itadakimasu, nước Nhật bắt đầu phổ biến việc sử dụng nó đến toàn dân, như dạy học sinh mẫu giáo đồng thanh hô “itadakimasu” trước bữa ăn.

Ngày nay, “Itadakimasu” trở thành phong tục không thể thiếu trước bữa ăn và là một trong những chuẩn mực đánh giá đạo đức của con người trong quan niệm của người Nhật.

Có lẽ đối với người Nhật, bài học đầu tiên là về lòng biết ơn, và người có học, trước hết, phải là người khiêm nhường.

Share.

About Author