Nếu bạn lỡ mê mẩn những quyển truyện tranh Nhật Bản thì không thể không cảm thấy quen thuộc với hình ảnh những chiếc chuông gió được treo ở cửa sổ hay ngoài hiên chùa.
Không chỉ đơn giản là một món đồ trang trí, chuông gió Furin còn mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau trong văn hóa Nhật.
Trong bài viết dưới đây HAATO xin chia sẻ một số thông tin về chuông gió Furin, các bạn cùng tìm hiểu nhé.
1.Furin là gì?
Chuông gió Nhật Bản được gọi là Furin (風鈴). “Fu” là gió và “rin” là chuông. Chuông gió Furin có dạng hình tròn, có gắn một lưỡi treo vào trung tâm của chuông giúp tại ra âm thanh khi nó chuyển động, ở phía dưới có treo một tờ giấy nhỏ. Với sự kết hợp này giúp chuông gió tạo ra những âm thanh và giai điệu nhẹ nhàng, trong trẻo.
Chuông gió theo phong tục của Nhật có tác dụng bảo vệ và xua đuổi tà ma. Họ luôn tin rằng nếu bạn sống trong khu vực có thể nghe được tiếng chuông Furin những điều bất hạnh sẽ không tới họ. Ngoài ra, người Nhật còn viết những điều ước tốt lành vào tờ giấy treo bên dưới để điều ước của họ sẽ được gửi tới thần linh khi tiếng chuông vang lên.
Ở Nhật, Furin truyền thống được treo ở bên trong nhà, gần cửa sổ, hoặc ở phía ngoài, dưới mái hiên. Để đón gió và nâng cao tiếng rung tuyệt đẹp đó, mỗi chiếc Furin có một mảnh giấy cứng treo bên dưới.
2.Nguồn gốc của chuông gió Furin
Chuông gió được cho là xuất hiện đầu tiên vào thế kỉ thứ 6 tại Ấn Độ, sau đó được du nhập vào Trung Quốc và vào thế kỷ thứ 12 đã có mặt tại Nhật Bản. Chuông gió chính thức được sản xuất đầu tiên tại Nhật dưới thời Edo và đuược bày bán tại cổng đền Kawasaki-Daishi.
Tiền thân của furin được cho là từ một loại chuông có tên là Futaku (nghĩa là Chuông treo) thường được dùng trong các ngôi chùa đạo Phật ở Trung Quốc. Dưới thời Edo (1603 – 1867) những chiếc chuông gió được gọi là Edo-Furin làm bằng gốm sứ trang trí bằng họa tiết sơn được người bán rong khởi đầu cho phong tục treo chuông Furin khắp Nhật Bản.
Đến thế kỷ thứ 18, với kỹ thuật đúc thủy tinh của người Hà Lan được du nhập, người Nhật học tập kỹ thuật đúc thủy tinh để đến thế kỉ 19 chiếc chuông gió bằng thủy tinh đã được ra đời, đánh dấu sự xuất hiện của chiếc chuông gió mang đậm phong cách Nhật Bản với hình vẽ trên chuông đều được sơn lên vào mặt trong của chuông để tránh bị gió làm phai màu..
Với quá trình đô thị hóa quá nhanh, ngày nay chuông gió Furin không còn được chào đón nhiều như xưa, nhưng với âm thanh đặc biệt, âm thanh trong trẻo của những chiếc chuông vẫn luôn tượng trưng cho mùa hè xứ phù tang
3.Cấu tạo, hình dáng của những chiếc chuông gió Furin
Chuông gió Nhật Bản chủ yếu được làm từ gốm sứ, thủy tinh, và các kim loại. Để tạo ra âm thanh nhẹ nhàng, người Nhật sáng tạo thêm một lưỡi treo vào trung tâm của chuông gió để tạo ra âm thanh nhẹ nhàng mỗi khi nó chuyển động.
Furin có nhiều kích cỡ và hình dáng vô cùng đa dạng. Bề mặt bên ngoài của chuông gió được người Nhật trang trú sơn trang trí bằng các họa tiết liên quan tới thiên nhiên, cây cối, động vật và thần linh,…
Chuông gió Nhật Bản được làm bằng thủy tinh hình tròn như những trái lựu to có về kích thước 4 x5 cm hoặc 8 x 7 cm . Những họa tiết được vẽ trong suốt và thêm một chiếc lá gió cầu may xinh xắn.
Ngày nay, các mẫu thiết kế của Furin thay đổi liên tục từ đơn giản đến phức tạp có thể là một chiếc đèn lồng, hình ngôi đền, ngôi chùa nhỏ , xô, cá, và các hình thù phong phú độc đáo khác và được trang trí với nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, xanh lục, vàng, xanh lam, trắng…
Người Nhật quan niệm rằng mỗi màu sắc trên chuông gió Furin mang một ý nghĩa riêng theo chủ ý của người chế tác hoặc người tặng. Ví dụ, màu đỏ tượng trưng cho mặt trời sáng soi, xua đuổi tà ma; màu xanh lam tượng trưng cho trời và biển, màu xanh lục đại diện cho cây cối có nghĩa là sức khỏe, không bị ốm đau; màu vàng là hình ảnh của mùa thu Nhật Bản với những cánh đồng lúa chín biểu trưng của tiền bạc; màu trắng hiện thân của màu áo cưới tinh khôi và là biểu tượng của may mắn…
Dưới mỗi chiếc chuông Furin sẽ treo một mảnh giấy, gọi là Tanzaku trên đây là những lời chúc may mắn, cầu bình an, những bài thơ ngắn như thơ Hai-ku 17 âm tiết hoặc thơ Wa-ka 31 âm tiết.
4.Tại sao người Nhật lại trang trí chuông gió Furin
Xua đuổi tà ma, bệnh tật
Xuất phát từ Trung Quốc chuông gió du nhập vào Nhật Bản cùng với Phật giáo với ý nghĩa để bảo vệ người khỏi quỷ dữ và được dùng trong các nghi lễ trừ tà.
Chuông gió được coi là một vật bảo vệ chống lại các thảm họa tự nhiên, người Nhật nghĩ rằng gió lớn sẽ kéo theo dịch bệnh. Để ngăn chặn dịch bệnh và muốn bảo vệ bản thân họ đã treo một cái chuông bằng đồng có tên “Futaku” ở hiên nhà, trong phạm vi có âm thanh của chiếc chuông sẽ là nơi an toàn, tránh được tai ương.
Trong thời Kamakura (1185-1333) giới quý tộc Nhật treo furin trên cửa để ngăn chặn “Yakubyougami”- con quỷ mang đến bệnh tật và thảm họa, đột nhập vào phòng.
Tượng trưng cho sự may mắn, thuận lợi.
Phong linh là hồn của gió, sự hòa trộn giữa chuông và gió để tạo nên một âm điệu của đất trời cỏ cây, của âm dương nhật nguyệt, thể hiện sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên – hài hòa giữa con người với đất trời. Hình ảnh Furin treo dưới hiên nhà được coi là biểu tượng của sự may mắn và được dùng trong phong thủy như một thứ bùa cầu may, mang lại cảm giác bình an cho gia chủ.
Việc tặng Furin làm quà với những lời chúc trên mảnh giấy, thật ngắn gọn, xúc tích đã là đóng vai trò là một lời chúc rất ý nghĩa đối với người được nhận.
Người Nhật tin tưởng rằng âm thanh của những chiếc chuông gió sẽ giúp xoa dịu cái nóng của trưa hè, kích thích thính giác, và có thể gọi gió đến vào những buổi trưa hè nóng bức.
Furin giúp hóa giải hung khí và mang lại điều an lành trong phong thuỷ
Treo Furin tại nhà sẽ giúp tiêu tán, hoá giải hung khí, biến hung thành cát. Đem lại cát khí, sự an lành và may mắn khi căn nhà, văn phòng hoặc cơ sở không may bị phạm những cấm kỵ
Theo văn hóa người Nhật thì nên treo chuông gió ở giữa nhà hoặc trước cửa ra vào, cửa sổ ở hướng xấu của căn nhà đặc biệt nên treo chỗ có gió vì âm thanh của nó sẽ có tác dụng hoá giải khí xấu rất hiệu quả.
Furin mang thông điệp là “anh sẽ mãi mãi bên em” trong tình yêu
Khi người con gái (con trai) nhận được chiếc chuông gió khi nó phát ra âm thanh thì nó là bản nhạc của tình yêu và ý của người tặng đó là anh sẽ luôn bên em (hay em sẽ luôn bên anh).
Chiếc chuông gió sẽ gắn kết tình yêu hai người mãi mãi, khi một người trong hai người lạc mất nhau, người con gái sẽ rung lên từng hồi chuông để chỉ đường dẫn lối cho người con trai trở về.
5.Các lễ hội truyền thống
Lễ hội “Chuông gió kết nối nhân duyên” (縁むすび風鈴)
Địa điểm tổ chức: đền Kawagoe Hikawa (川越氷川神社) với hơn 2.000 chiếc chuông gió
Địa chỉ: 〒350-0052 埼玉県川越市宮下町2-11-3
TEL:049-224-0589(川越氷川神社社務所)
Thời gian diễn ra: Thường diễn ra vào đầu tháng 7 đến đầu tháng 9
Furin Ichi (风铃市) – Hội chợ chuông gió
Địa điểm: đền Kawasaki-Daishi (川崎大师) , ở tỉnh Kanagawa, đây là hội chợ về Furin lớn nhất Nhật Bản
Thời gian diễn ra: trong vòng 4 đến 5 ngày, vào tuần thứ ba của tháng Bảy.
Địa chỉ: 4-48 Daishimachi, Kawasaki, Kanagawa Prefecture 210-8521, Nhật Bản
Số lượng chuông gió: Khoảng 650-900 loại chuông gió và 25,000-32,000 chiếc chuông gió từ 47 tỉnh thành đã được bày bán tại đây.
Có quá nhiều ý nghĩa bên trong hình ảnh chiếc chuông gió bé nhỏ này. Vạn điều an lành đều được tin là sẽ tới mỗi khi chuông gió phát ra thứ âm thanh trong lành. Nếu có dịp đến Nhật Bản đừng quên chọn cho mình một vài chiếc Furin làm quà tặng nhé.