Nhật Bản là một đất nước hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên, mỗi năm có hàng ngàn người mất vì động đất, sóng thần. Ngoài ra họ chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi đau hạt nhân “Hiroshima” đã từng cướp đi hàng triệu sinh mạng hơn 70 năm trước. Nhưng gạt đi hết tất cả, với tinh thần đoàn kết một thể, tất cả con dân Nhật hoàng đã đưa Nhật Bản từ một quốc gia kém tài nguyên, nhiều đau thương vươn lên phát triển thành nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, không hề kém cạnh siêu cường Nga, Mỹ.
Có thể nói ngoài tính tự tôn dân tộc, sự đồng lòng toàn dân còn phải kể đến sự cải cách giáo dục, nghệ thuật làm việc đỉnh cao và bậc nhất về ứng dụng thực tế đã tạo nên vị thế của Nhật Bản ngày nay. Để hiểu thêm về quá trình lột xác ngoạn mục và đáng khâm phục của Nhật Bản, mời bạn cùng Trung tâm Ngoại ngữ tìm hiểu về 7 quyển sách hay về Nhật Bản sau đây.
Khuyến Học
Khuyến học không phải là tác phẩm đồ sộ và sâu sắc nhất của ông nhưng lại là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản. Khi mới đựơc in lần đầu, cuốn sách này có một số lượng ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản thời đó chỉ khoảng ba mươi lăm triệu người. Chỉ riêng điều đó đã cho thấy đây thực sự là cuốn sách gối đầu giường của mọi người dân Nhật trong thời kỳ Duy Tân. Kể từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản Iwanami Bunko cũng đã tái bản đến bảy mươi sáu lần.
Trong cuốn sách này, Fukizawa Yukichi đề cập tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Với các chương viết về sự bình đẳng, quyền con người, ý nghĩa của nền văn học mới, trách nhiệm của nhân dân và chính phủ trong một quốc gia pháp trị… khuyến học đã làm lay chuyển tâm lý người Nhật Bản dưới thời Minh Trị. Với tuyên ngôn “trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”, Fukuzawa Yukichi đã gây kinh ngạc và bàng hoàng – như “không tin vào tai mình” – cho đa số người Nhật Bản vốn bị trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, quen phục tùng phó mặc và e sợ quan quyền suốt hàng trăm năm dưới chính thể phong kiến Mạc phủ. Ông khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn.
Về học vấn, Fukuzawa Yukichi phê phán lối học “từ chương” và nhấn mạnh Nhật Bản phải xây dựng nền học vấn dựa trên “thực tế”. Nền học vấn thực học phải gắn liền với cuộc sống hằng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập, tính thực dụng. Việc tiếp thu văn minh phương Tây phải có chọn lọc. Quan điểm xuyên suốt cuốn sách là “làm thế nào để bảo vệ nền độc lập Nhật Bản” trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang muốn biến toàn bộ châu Á thành thuộc địa.
Made in Japan: Chế Tạo Tại Nhật Bản
Nhắc đến hàng hóa “Made in Japan”, trong tâm thức người tiêu dùng trên thế giới đều ghi nhận chất lượng của chúng. Đóng góp cho việc mang lại tên tuổi, chất lượng và thương hiệu Nhật Bản đó không thể không kể đến vai trò quan trọng của Akio Morita và Tập đoàn Sony.
Made in Japan là cuốn sách do chính Akio Morita viết về ông và những người sáng lập Sony, cùng với những đồng nghiệp khác trong quá trình phát triển Tập đoàn. Cuốn sách là sự kết hợp giữa lịch sử, triết học, quản trị doanh nghiệp và cả những suy nghĩ đời thường. Một cuốn sách mà mọi nhà quản trị đều cần phải đọc nếu muốn biết làm cách nào để biến những công ty nhỏ bé trở thành những tập đoàn hùng mạnh.
Trong cuốn sách của mình, Morita đã trình bày những nguyên tắc cơ bản trong lĩnh vực quản trị để có được thành công trong kinh doanh. Như ông đã khuyên chúng ta, “Một doanh nhân hay một công ty muốn trở thành hùng mạnh, không chỉ nhằm vào mục tiêu thu lại lợi nhuận mà còn phải biết đặt ra một sứ mạng cho mình, một sứ mạng về giá trị và những gì họ mong muốn mang lại cho cộng đồng”.
Nhật Bản Duy Tân 30 Năm
Cuốn Nhật Bản duy tân 30 năm của tác giả Đào Trinh Nhất có thể được xem như một cuốn cẩm nang sử học dành cho những ai muốn tìm hiểu về Chính trị – Xã hội, đặc biệt đất nước, con người và văn hóa Nhật Bản, nhất là giai đoạn mà Nhật Bản thực hiện công cuộc duy tân.
Nhật Bản duy tân 30 năm sẽ giúp độc giả trả lời những câu hỏi như: Đâu là công cuộc duy tân ở Nhật Bản? Sự lột xác thần kỳ của Nhật Bản phải chăng là do may mắn? Nhật Bản đã làm những gì để có những thay đổi ngoạn mục, trở thành biểu tượng cho cả thế giới? Liệu rằng chúng ta có học hỏi được gì từ bài học duy tân của Nhật Bản hay không?
Cuốn sách văn học sử Nhật Bản này sẽ cho độc giả một cái nhìn toàn vẹn về một cường quốc nhỏ bé về địa lý nhưng đã đạt được những thành tựu thần kỳ về văn hóa – chính trị – xã hội.
Cải Cách Giáo Dục Nhật Bản
Trong báo cáo của Hội đồng thẩm định khóa trình giáo dục Nhật Ban đã hé lộ nhận thức: “Trước hết trường học phải là nơi thoải mái và vui vẻ đối với trẻ em. Trẻ em phải có đủ không gian để có thể tiến hành chậm rãi những gì liên quan đến mối quan tâm và sở thích của mình. Đồng thời nó phải là trường học nơi các giờ học dễ hiểu được triển khai, những điều không hiểu có thể được coi là lẽ tự nhiên, những thất bại trong học tập, những dò dẫm và vấp ngã được tiếp nhận như là chuyện đương nhiên. Thêm nữa để có được điều đó, nó phải là nơi mối quan hệ con người với con người mà trẻ em mong muốn và mối quan hệ tin cậy giữa giáo viên và học sinh với tư cách là nền tảng được xác lập, bầu không khí trong lớp học ấm áp, trẻ em an tâm và có thể phát huy được năng lực của bản thân.
Trong môi trường giáo dục như thế thì không phải chỉ có giờ học các môn giáo khoa mà thông qua toàn bộ cuộc sống ở trường học, trong quá trình hoạt động học tập cùng với giáo viên, việc bản thân trẻ em có thể cảm nhận mình được coi trọng như là một con người không có gì thay thế, được tin cậy và được nếm trải hạnh phúc khẳng định bản thân và thực thi cái tôi là rất quan trọng”
Quả thật giáo dục hiện đại là thể chế được tổ chức một cách quy mô bởi quốc gia và thông qua giáo dục mà xã hội được “tái sản xuất” trong đó trẻ em được được đảm bảo về nhân quyền và sinh tồn. Và một khi như vậy thì đương nhiên, một loạt các yếu tố căn bản như giải quyết các vấn đề quốc tế, đối phó với các vấn đề xã hội, trợ giúp sự sinh tồn của cá nhân sẽ trở thành các vấn đề cơ bản của giáo dục. Cũng có trường hợp những yếu tố mang tính ngoại lệ như phục vụ quyền lợi của cá nhân, đoàn thể, tổ chức cũng có thể được đưa vào.
Cuốn sách này sẽ xác nhận điều đó trong dòng chảy mang tính lịch sử của giáo dục Nhật Bản hiện đại và ngay cả khi suy ngẫm về cải cách giáo dục hiện tại thì đây cũng là điều cần phải được hiểu một cách thấu đáo và phổ biến với tư cách như là một định lý lịch sử. Nói tóm lại, cho dù là giáo dục dưới thể chế thiên hoàng thời trước chiến tranh hay giáo dục thời chủ nghĩa quân phiệt đi chăng nữa thì cũng không hề có sự tách rời khỏi dòng chảy này. Quốc gia với thể chế thiên hoàng đã thúc đẩy công nghiệp hóa trong nước và nó mang trong mình cả nguyên lý không thể tránh khỏi là cá nhân hóa, chủ nghĩa quân phiệt cũng thế, để phục vụ các cuộc chiến tranh với bên ngoài thì công nghiệp, kĩ thuật và năng lực trình độ cao của cá nhân trở thành sự cần thiết đương nhiên. Và “Giáo dục sau chiến tranh” cũng vậy, định lí này đã trở thành nguyên lí chính sách dẫn dắt cải cách giáo dục. Có thể nói giáo dục đã phát huy chức năng của mình ở phương diện như thế.
Nhân Sinh Duy Tân
Nhật Bản, một đất nước hấp dẫn đến mê hoặc, sức hấp dẫn đến từ những điều mâu thuẫn. Một đất nước vừa có nền công nghiệp tình dục phát triển lại vừa có tính cách nghiêm túc đến khắc nghiệt. Một đất nước thờ cả thần may mắn lẫn thần tai họa. Một đất nước mà các tổ chức tội phạm sẵn sàng giúp đỡ những người bình thường trong những lúc khó khăn. Thật khó để cưỡng lại sức hấp dẫn này và chẳng có gì là lạ khi ngày càng có nhiều người muốn đến Nhật Bản, để được tận mắt khám phá mọi ngóc ngách đầy bí ẩn của nó.
Đã có rất nhiều cuốn sách viết về Nhật Bản, đa phần là của các bạn trẻ đã đến Nhật và muốn kể lại hành trình của mình cũng như những điều tốt đẹp về đất nước này. Một số cuốn sách khác thì kể về các danh nhân, các câu chuyện lịch sử, về văn hóa hay con người Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhân sinh duy tân nằm ngoài hoàn toàn các phạm vi đó. Đây không phải cuốn sách về du học, lịch sử, con người, hay văn hóa Nhật Bản, càng không phải một cuốn tự truyện. Chắc bạn cũng không biết tác giả là ai. Ông đứng đầu một tập đoàn tài chính lớn tại Nhật Bản nhưng có lẽ cũng không quan trọng cho bằng việc ông thích viết, về nhân sinh, về các sự kiện, về hoàn thiện bản thân. Thật khó để nói ra điểm đặc biệt hay thú vị của cuốn sách này. Nó chỉ là những suy ngẫm của một người Nhật về các vấn đề mà nước Nhật thực tế đang gặp phải, có những chuyện chỉ người Nhật mới biết với nhau, hay về làm người, làm lãnh đạo, làm doanh nhân. Nó thuộc dạng phải đọc mới thấy hay. Nó không khiến tim ta đập mạnh mà chỉ âm thầm len lỏi vào máu của ta. Hy vọng bạn sẽ đọc và sẽ thấy thú vị.
Thiền Và Văn Hóa Nhật Bản
“Khi viết tác phẩm này, tôi chỉ nhằm vào độc giả nước ngoài, nhưng sau này mọi người đều yêu cầu tôi nên dịch ra tiếng Nhật để người Nhật có thể đọc được, biết đâu họ có thể cảm nhận được những điều bổ ích, và những giá trị mang tính tham khảo, ví thề mới xuất hiện bản dịch tiếng Nhật. Nếu như lúc ban đầu tôi có ý định viết cho người Nhật xem, thì có lẻ phong cách viết sẽ khác, có thể sẽ thiên về tính nghiên cứu hơn, nhưng tình hình bây giờ đã lỡ rồi cũng đành chịu thôi.
Gần đây, dường như người Nhật Bản có hơi rụt rè không giống trước đây, nhưng tôi tin rằng, trên tinh thần và tư tưởng của họ phát triển theo xu hướng hướng ngoại thì cuối cùng rồi người Nhật Bản cũng thật sự trưởng thành, bởi vì trong lòng chúng tôi đang sở hữu của báu vô giá.”
(D. T. Suzuki)
Đến Nhật Bản Học Về Cuộc Đời
“Đến Nhật Bản học về cuộc đời” là một quyển sách kì lạ. Vì trước khi là một quyển sách vạn bản, đó là quyển nhật ký 368 ngày sống ở Nhật của một cô gái nhỏ.
Trong đó, có nước mắt của những ngày xa nhà một mình. Trong đó có niềm vui dưới tán hoa anh đào hồng ngọt giữa một mùa xuân đầy nắng. Trong đó có sự cô đơn như không có cả một chiếc khăn len bên cạnh khi mùa đông xám rét. Trong đó có những đêm đi làm thêm về thật muộn, và thật mệt. Trong đó có cả những khoảnh khắc ngủ gật trên thư viện vì áp lực thi cử. Trong đó có nụ cười trong veo như bầu trời xanh ngắt của Nhật. Và nỗi buồn mơn mơn như cơn gió thu đầu mùa.
Trong đó, là một nước Nhật sống động, chưa bao giờ rõ nét hơn.
Trong đó, là chân dung những người Nhật tử tế, ấm áp.
Một nước Nhật rất thật, rất gần, rất Nhật trong “Đến Nhật Bản học về cuộc đời” qua từng trang sách.
Với phong cách văn chương ấn tượng, theo đuổi trường phái duy mỹ, kết hợp đan quyện miêu tả, so sánh, kể chuyện, tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh sẽ dẫn độc giả đến với một Nhật Bản đẹp mê say và cũng ẩn chứa những triết lý đáng nghĩ suy về cuộc đời này.
“Đọc sách là con đường ngắn nhất dẫn ta đến thành công”.
Vì vậy các bạn hãy cố gắng đọc càng nhiều sách càng tốt nhé!
CÔNG TY CỔ PHẦN ICHIKAWA VIỆT NAM
TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ HAATO
Cơ sở 1: Số 135 Phố Lãng Yên, Phường Thanh Lương, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Cơ sở 2: 250 Nguyễn Văn Linh, Phường Xuân Hoà, Thành Phố Phúc Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc
Cơ sở 3: Số nhà 20 ngõ 353 Bát Khối, Phường Long Biên, Quận Long Biên, Hà Nội
Số điện thoại: 04239879203; 0969655528; 0912033556
Website: http://www.ivn.edu.vn/